Nhức nhối nỗi đau trẻ em bị bỏ rơi: "Mẹ ơi đừng bỏ rơi con!"
Thống kê của ngành LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có gần 3.300 trẻ em mồ côi, trong đó 1.832 trẻ mồ côi cha, 979 trẻ mồ côi mẹ và gần 500 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phần đông trong số những trẻ em mồ côi này do bị cha, mẹ bỏ rơi hoặc cả cha mẹ bỏ rơi.
Đau lòng thay khi có những em đã bị chính từ mẫu của mình vứt bỏ ngay khi vừa lọt lòng mẹ mà không hề quan tâm đến sự sống chết của con mình. Các em phải sống nương nhờ vào tình thương của họ hàng, lối xóm, chùa chiền hay sự trợ giúp của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Bị bỏ ở chợ Hàng Còng (phường 4, TP. Mỹ Tho) suốt đêm, bé gái may mắn được tiểu thương ở chợ phát hiện và đưa đến bệnh viện với đầy vết muỗi chích trên người. |
Chỉ trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có đến 6 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, tăng đột biến so với các năm trước. Đây là tình trạng đáng báo động về đạo đức và lối sống trong xã hội.
TRỐN VIỆN BỎ CON
Đến bệnh viện sinh con rồi lặng lẽ bỏ đi là tình trạng thường gặp nhất của những trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Thông thường, những sản phụ ấy không khai thật họ tên, địa chỉ và không xuất trình giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục nhập viện. Sau khi sinh con xong, họ lặng lẽ ra đi.
Còn nhớ, cách nay vài năm, chỉ trong vòng 4 ngày, tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang có đến 2 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đó là trường hợp 1 phụ nữ ngoài 40 tuổi, được 1 thanh niên đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để khám “khối u”.
Các bác sĩ phòng khám chẩn đoán chị ta đang chuyển dạ sinh nên làm thủ tục cho nhập viện. Đến 21 giờ, người phụ nữ ấy sinh được 1 bé trai nặng 2,5 kg và người mẹ ấy đã biệt tăm khi trời chưa kịp sáng. Cả bệnh viện đổ đi tìm mẹ cho đứa trẻ sơ sinh đang khát sữa, nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy mẹ của em.
Tra lại hồ sơ, người phụ nữ ấy khai tên Nguyễn Thị Vân, 44 tuổi, nhà ở ấp Long Hòa A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, đã có chồng và 4 con. 4 ngày sau, 1 sản phụ trẻ khai tên Nguyễn Thị Hồng Phượng, 23 tuổi, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, vào Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để sinh con và sinh được bé trai cân nặng 2 kg.
Ở với con được chỉ 1 ngày, cô ấy đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại “núm ruột” đang khát khao hơi ấm và tình thương của mẹ. Bệnh viện đã liên hệ nhiều lần với gia đình của bé theo địa chỉ của mẹ, nhưng gia đình này cho rằng thân nhân của họ không hề sinh con.
Sau đó Ban Giám đốc bệnh viện nhờ UBND xã Tam Bình và Phòng LĐ-TB-XH huyện Cai Lậy tìm giúp thân nhân của bé nhưng vẫn không tìm được.
Mới đây nhất là vào ngày 1-9, thai phụ ngoài 20 tuổi, ăn mặc sạch sẽ, được 1 thanh niên đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang để sinh con. Thai phụ này không mang theo bất kỳ giấy tờ tùy thân nào và khai tên Nguyễn Ngọc Diễm, ngụ ấp Bình Tạo A, xã Trung An, TP. Mỹ Tho.
Bác sĩ Trần Thị Hà, khoa Nhi của bệnh viện cho biết: Sản phụ này sinh con so, bé trai, cân nặng 2,8 kg; sau mấy ngày nằm viện, người mẹ ấy đã biệt tăm. Bệnh viện đã phối hợp cùng Công an phường 1, TP. Mỹ Tho liên hệ tìm thân nhân của bé, nhưng xã Trung An xác định tại địa chỉ trên không có người tên Nguyễn Ngọc Diễm. Bác sĩ Hà cho biết thêm, khoảng đầu năm 2014 cũng có 1 sản phụ trốn viện bỏ lại con.
KÝ THÁC TRƯỚC CỬA THIỀN
Theo văn hóa Á Đông, mái chùa là nơi gửi gắm nỗi niềm của nhiều phật tử. Đây cũng là nơi rất nhiều người ký thác cả những đứa con mà họ đứt ruột sinh ra. Một buổi sáng giữa tháng 4 âm lịch, các sư cô chùa Tịnh Nghiêm (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) phát hiện 1 bé gái được đặt trên băng đá trong khuôn viên chùa.
Không quá bất ngờ, vì đây không phải là lần đầu tiên các sư cô tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi kể từ khi ngôi chùa này thành lập năm 1982 đến nay. Sau khi báo cơ quan chức năng và thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn không có ai đến nhận, các sư cô đã làm thủ tục khai sinh cho bé.
Cũng như vậy, 4 tháng trước, chùa Kim Phước (xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) phát hiện 1 bé trai được đặt dưới chân tượng Quan Thế Âm trong khuôn viên chùa. Đại đức Thích Bổn Chánh, Phó Trụ trì chùa cho biết, đây là bé thứ 5 bị bỏ trong khuôn viên chùa kể từ 4 năm qua. Bé đầu tiên được đưa đến chùa cũng vào lúc chập choạng tối 4 năm trước.
“Lúc đó tôi đang đi dạo kiểm tra công việc trong khuôn viên chùa thì nghe tiếng trẻ em khóc, sau đó thì phát hiện bé trai sơ sinh. Tôi đã báo với cơ quan chức năng ở địa phương và thông tin rộng rãi nhưng không có ai đến nhận. Thế là chùa nuôi bé và làm thủ tục khai sinh, đặt tên cho bé là Minh Phúc với hy vọng cuộc đời bé sau này sẽ luôn gặp được phúc ấm” - Đại đức Thích Bổn Chánh cho biết.
VỨT CON GIỮA CHỢ
Rạng sáng ngày 11-9, tiểu thương chợ Hàng Còng (phường 4, TP. Mỹ Tho) phát hiện 1 bé gái sơ sinh bị bỏ rơi. Anh Hà Quang Minh, tiểu thương cho biết: “Khoảng 22 giờ ngày 10-9, khi ra dọn sạp, tôi phát hiện có 1 túi để trên sạp của mình.
Nhìn phía xa thấy 1 phụ nữ đang đứng gọi điện thoại. Nghĩ là khách đi chùa gần đó để nhờ nên không xem. Đến gần 5 giờ sáng 11-9, khi vợ tôi ra dọn hàng vẫn thấy túi để đó nên đem máng sang sạp thịt kế bên. Sau đó do sợ khách trở lại tìm không thấy túi nên vợ tôi mang trở lại sạp của mình.
Thấy túi nặng, vợ tôi mở ra xem, giật mình khi phát hiện 1 bé sơ sinh không mặc quần áo, nằm co ro trong chiếc túi nilon. Các tiểu thương nghe vợ tôi hô hoán đã xúm lại, thấy bé còn sống nên người cho quần áo, người cho sữa. Chúng tôi báo cho công an phường và chuyển bé đến Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang nhờ nuôi giúp”.
Theo Bác sĩ CKI Đặng Thanh Nga, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, vào 5 giờ 30 phút sáng 11-9 bệnh viện tiếp nhận bé từ anh Lê Văn Sáng, Công an phường 4. Qua khám ban đầu, là bé gái, cân nặng 3,6 kg, sinh đủ tháng, sinh thường, cuốn rốn không được cắt mà bị bứt đứt. Bệnh viện chăm sóc bé tại khu dưỡng nhi và đã làm thủ tục chuyển bé đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Hiện tại sức khỏe của bé bình thường.
Quyền được sống là 1 trong 4 nhóm quyền của trẻ em được quy định tại Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước này. Bỏ rơi con là 1 trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Trẻ em là những sinh linh bé bỏng hoàn toàn vô tội, đừng để con trẻ phải gánh chịu nỗi đau chỉ vì lỗi lầm, nông nổi của người lớn.
THỦY HÀ
Bài 2: Vì đâu nên nỗi?