Xã Tam Bình phát huy tốt vai trò "Dân vận khéo"
Trong bài báo “Dân vận” của Bác viết cách đây 65 năm đã nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Quán triệt sâu sắc quan điểm nêu trên và phương châm “sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Bác, Đảng bộ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Có dịp về thăm lại xã Tam Bình - xã Anh hùng, giàu truyền thống văn hóa, ai cũng không khỏi trầm trồ trước cảnh làng quê khởi sắc trên đường xây dựng NTM. Lãnh đạo xã cho biết: Bài học lấy dân làm gốc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã được Đảng bộ, chính quyền xã Tam Bình vận dụng hiệu quả là nhờ sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đã tạo nên diện mạo mới cho Tam Bình.
Hầu như thực hiện bất cứ công việc gì xã cũng đều “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, nên khi vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng… đã được nhân dân đồng thuận và nhiệt tình hưởng ứng.
Nhờ sự chung tay góp sức của bà con, diện mạo xã Tam Bình đã thay đổi từng ngày. |
Những năm qua, chuyện người dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội đã không còn là chuyện hiếm. Ông Lê Văn Quyền ở ấp Bình Hòa A là 1 điển hình. Ông Quyền đã 3 lần tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường liên ấp chạy ngang trước nhà mình.
Cách đây hơn chục năm, khi con đường được trải sỏi đỏ, ông Quyền đã tự nguyện lấp mương ranh để mở rộng đường. Vài năm sau, đường đan được thi công, ông Quyền không ngần ngại đốn hàng dừa cặp rào để công trình thi công đúng kết cấu.
Gần đây, xã vận động người dân hiến đất mở rộng đường theo chuẩn NTM, ông tự nguyện hiến phần đất cặp tuyến đường. Không chỉ vậy, người đảng viên cao niên này còn vận động người dân xung quanh cùng tham gia hiến đất để công trình sớm hoàn thành.
Ông chia sẻ: “Toàn xã đang chung sức xây dựng NTM thì mỗi người dân phải có trách nhiệm tham gia bằng nhiều cách. Hiến đất là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn là những công trình này có lợi cho sự phát triển của quê hương. Thấy xe 4 bánh lưu thông vào đến tận nhà, thuận tiện trong việc chuyên chở nông sản hàng hóa, vật liệu xây dựng… là tui rất phấn khởi, vì được đóng góp một phần công sức của mình!”.
Cũng như ông Quyền, hơn 40 năm gắn bó với miệt vườn Tam Bình, bà Nguyễn Thị Thi đã tự nguyện hiến 300 m2 đất vườn để tuyến đường liên xóm Bình Hòa A được mở rộng. Bà Thi vui mừng nói: “Nghe mấy chú ở xã nói đường sá rồi sẽ thông thoáng, xe 4 bánh chạy vào đến tận nơi khiến ai cũng mừng. Có được con đường khang trang, sạch đẹp là mong muốn chung của nhiều hộ dân ở đây, trong đó có gia đình tôi”.
Những nông dân chất phác như bà Thi, ông Quyền… đã thấy được nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi hiến đất mở rộng đường. Rồi đây, vùng đất được xem là “xa xôi” thị thành này sẽ được thu ngắn lại bằng những con đường khang trang, rộng rãi, nông sản giao thương sẽ dễ dàng hơn.
Theo UBND xã Tam Bình, năm 2011 Tam Bình được lãnh đạo tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM, lãnh đạo xã đã thường xuyên tuyên truyền ý nghĩa của chương trình mục tiêu Quốc gia này đến người dân. Trong đó, nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và người dân trực tiếp được hưởng lợi, nên người dân đã sẵn sàng hiến trên 61.000 m2 đất, trị giá hơn 12 tỷ đồng để thi công 26 công trình giao thông, thủy lợi nội đồng thuận lợi, đúng tiến độ.
Cùng với sự đổi thay đáng kể của bộ mặt nông thôn, qua những công trình mới, niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình, nhiều năm qua người dân xã Tam Bình đã có những đóng góp quan trọng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, kết quả đó càng được phát huy trong xây dựng NTM. Xã đã xác định mục tiêu “lấy sức dân để lo cho dân” nên trong công tác vận động quần chúng, chúng tôi lấy cán bộ, đảng viên làm hạt nhân nòng cốt, sau đó nhân rộng ra hộ dân, tạo được sự đồng thuận cao.
Ngoài ra, lãnh đạo xã đã tạo không khí thi đua giữa các ấp có công trình, nơi nào giải phóng mặt bằng nhanh sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vốn xây dựng trước. Nhờ sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân nên xã đã tạo chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân góp sức cùng Đảng bộ và chính quyền xã xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Năm 2005, xã Tam Bình đã được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn. Đây là tiền đề quan trọng cho giai đoạn xây dựng NTM hiện nay. Chủ trương đúng, hợp lòng dân bao giờ cũng nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. Xã Tam Bình là minh chứng sinh động cho bài học dân vận khéo “lấy dân làm gốc”.
HOÀI THU