Xã Tam Bình về đích nông thôn mới
Sau gần 4 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Niềm vui của người dân nơi đây càng được nhân lên khi giá sầu riêng - kinh tế chủ lực của xã đang ở mức cao.
Sức bật giao thông
Đi trên con đường dal Miếu Bà, thênh thang bên những luống hoa đang khoe sắc, chúng tôi thực sự cảm nhận rõ những thay đổi ở vùng quê xây dựng NTM. Con đường được tô điểm thêm bởi những cột cờ kết hợp gắn đèn chiếu sáng càng làm bức tranh quê thêm sáng đẹp.
Chú Quyền, ấp Bình Hòa A, hồ hởi: “Ở đây giờ đông vui không khác gì thành phố. Cứ khoảng 4, 5 giờ sáng, bà con đi tập thể dục trên con đường này rất đông dưới ánh đèn điện cùng hoa nở 2 bên rất đẹp”.
Chú Quyền cho biết, trước đây con đường này đá đỏ nhếch nhác lắm; việc vận chuyển hàng hóa, đi lại rất khó khăn. Ai muốn xây nhà phải ra tận ngoài sông chở cát đá; sầu riêng đến ngày thu hoạch phải vận chuyển ra lộ lớn mới đưa lên xe tải chở đi tiêu thụ nên dễ bị thương lái ép giá. Khi xã vận động bà con hiến đất, vật kiến trúc, cây cối để nâng cấp, mở rộng đường ra 3,5 m, ai nấy đều hưởng ứng.
“Tuyến đường hoàn thành, học sinh đi học thuận lợi hơn, thương lái có thể đưa xe tải vào tận vườn chở sầu riêng nên không bị ép giá như trước. Bà con phấn khởi lắm” - chú Quyền vui mừng nói.
Giao thông nông thôn tạo nên diện mạo mới cho Tam Bình. |
Đây là 1 trong 16 tuyến đường trục xã, liên ấp, trục ấp và 6 công trình cầu đã được đầu tư, nâng cấp trên địa bàn xã trong 4 năm qua với tổng kinh phí thực hiện 45 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 18,7 tỷ đồng (qua hiến đất, cây cối, vật kiến trúc). Đó là chưa tính đến đường ngỏ, xóm do dân đóng góp làm. Tất cả đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, tạo nên diện mạo mới cho xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy.
Nói về quá trình nâng chất tiêu chí giao thông, ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay từ đầu, xã xác định giao thông là một trong những tiêu chí giữ vai trò quyết định đến sự thành công trong xây dựng NTM nhưng rất khó hoàn thành.
Cũng như các địa phương khác, dù đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể nhưng xã cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn, cơ chế vận động còn nhiều lúng túng, công tác giải phóng mặt bằng gặp không ít trở ngại. Song, với quyết tâm, kiên trì vận động, tuyên truyền, xã đã chuyển hóa được nhận thức của người dân. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, việc tham gia, hưởng ứng của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” có ý nghĩa quyết định đến thành công của chương trình.
Chủ trương người dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc, Nhà nước đầu tư, nâng cấp đường; nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư đường trục xã, liên xã, trục ấp; còn các đường ngõ, xóm, nhân dân đóng góp thực hiện được người dân hưởng ứng.
Đặc biệt từ năm 2013, ngoài hiến đất, vật kiến trúc, xã vận động và người dân đồng thuận cơ chế hộ dân đầu tư nền đường, Nhà nước làm mặt đường đã giảm 50% chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông. Với cách làm trên, đến nay xã đã đầu tư, nâng cấp hoàn thành 100% đường trục xã (dài 11,8 km); trên 18 km (trong tổng 24,3 km) đường trục ấp, liên ấp; 71% đường ngõ, xóm cứng hóa, không lầy lội, đã cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông.
Không dừng lại ở đó, người dân còn góp tiền làm cột cờ (xã thiết kế) kết hợp với đèn thắp sáng bảo vệ an ninh trật tự. Đến nay, đã xây dựng được 7.800 cột cờ kết hợp đèn bảo vệ an ninh trật tự với chiều dài 20 km (10 km tỉnh lộ 864, còn lại là các tuyến giao thông nông thôn). Kế hoạch từ nay đến cuối năm, xã lắp cột cờ gắn đèn thắp sáng thêm từ 40 - 50 km đường giao thông trên địa bàn. Ngoài ra, xã vận động nhân dân hưởng ứng việc trồng hoa làm đẹp cho đường nông thôn, xóm làng.
Điểm tựa kinh tế vườn
Những ngày này, nhà vườn trồng sầu riêng xử lý nghịch vụ rất phấn khởi khi bán được giá từ 50.000 - 75.000 đồng/kg (giống Monthong), các loại sầu riêng khác giá cũng khá cao. Không chỉ vụ nghịch năm nay, những năm qua, cây sầu riêng đã mang đến cho nông dân Tam Bình luồng gió mới, cơ hội cho hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu.
Câu chuyện về hộ trồng sầu riêng thu nhập tiền tỷ không còn là chuyện hiếm ở xã ven sông Tiền này. Ông Trần Văn Năm, ấp Bình Hòa A, phấn khởi cho biết, cây sầu riêng ở đây rất hiệu quả. Trước đây, khu vực này trồng chủ yếu nhãn, sa pô. Những năm qua, người dân chuyển dần sang trồng sầu riêng. Hiệu quả cây trồng này được khẳng định và diện tích không ngừng mở rộng. Giờ đây, khu vực này chỉ trồng toàn sầu riêng.
“Một hộ chỉ cần có 5 công sầu riêng là sống tốt, còn nếu có từ 10 công trở lên là trở thành tỷ phú như chơi. Vụ nghịch năm rồi, tôi bán được 38 tấn sầu riêng Monthong với giá 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Vụ nghịch năm nay, năng suất sầu riêng thấp hơn nhưng giá cao hơn nên lợi nhuận tăng hơn năm rồi” - ông Năm nói.
Ông Nguyễn Tấn Nhủ cho biết, xã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí NTM, đang lập hồ sơ, chờ thẩm định để công nhận xã NTM vào cuối năm nay. Mặt khác, xã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí như điều tra, thống kê lại thu nhập; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa xã hoàn thành vào cuối năm. Ngoài ra, việc thu gom xử lý rác, nước thải cần quan tâm hơn nữa dù đã tuyên truyền, cho dân đăng ký và cam kết không làm tổn hại đến môi trường. |
Những năm qua, Tam Bình có bước chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng từ vườn tạp sang trồng cây đặc sản sầu riêng. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân đẩy mạnh chuyển đổi từ giống sầu riêng Khổ qua xanh sang trồng giống Ri 6, Monthong, từ đó hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Theo thống kê, hiện nay toàn xã có 1.587 ha trồng cây ăn trái, trong đó có đến 1.300 ha trồng sầu riêng với chủ yếu 2 loại giống trên (một số diện tích còn lại trồng sa pô). Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cây sầu riêng hiện là kinh tế chủ lực của xã. Việc trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân. Nếu năm 2011, toàn xã có 9% hộ nghèo thì đến nay còn dưới 5%. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã đã tăng từ 9,5 triệu đồng vào năm 2011 lên 27 triệu đồng/người/năm hiện nay. Bên cạnh mở rộng diện tích, xã cũng rất quan tâm phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, chất lượng.
“Xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, triển khai mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 11 ha (dự kiến sẽ được công nhận vào cuối năm nay). Xã dự định mở rộng mô hình lên thêm 15 ha trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn trên vào năm 2015. Đây là cơ sở để cho sầu riêng Tam Bình phát triển bền vững, bước đầu gắn kết với doanh nghiệp, mở ra cơ hội liên kết tiêu thụ lâu dài sau này” - ông Nhủ nói.
Giờ đây, trên những tuyến đường dal rộng mở, trải dài hun hút bên những vườn sầu riêng trĩu quả, những ngôi biệt thự sang trọng cùng các luống hoa khoe sắc dưới ánh đèn điện sáng choang đã tô điểm thêm những gam màu sáng cho bức tranh NTM ở 1 xã bên bờ sông Tiền.
N.VĂN