Xã Tân Điền: Nỗ lực giảm nghèo, tăng tốc xây dựng nông thôn mới
Là một xã thuần nông ven biển, điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, Tân Điền (huyện Gò Công Đông) xác định tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn là hướng đi đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trên cơ sở đề án được phê duyệt, Tân Điền đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững. Kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, lại nằm ở cuối nguồn ngọt hóa nên Tân Điền rất quan tâm đến quy hoạch lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm nâng cao thu nhập người dân.
Tuyến giao thông nông thôn cặp kinh U Du đã được trải đan phẳng phiu. |
Theo đó, đến nay trên địa bàn xã đã hình thành khu vực sản xuất lúa 2 vụ/năm trên diện tích 470 ha và 800 ha sản xuất lúa 3 vụ/năm theo hướng chất lượng cao. Khu vực chuyên canh trồng màu với 120 ha được xác lập và được sản xuất theo hướng an toàn, GAP.
Thực hiện định hướng này, hàng năm xã phối hợp với cơ quan khuyến nông tổ chức từ 3 - 4 lớp tập huấn nâng cao kiến thức của người dân về sản xuất an toàn, GAP. Trong tổ chức lại sản xuất, xã rất quan tâm đến việc liên kết sản xuất theo hình thức các tổ hợp tác (THT).
Đến nay, xã đã hình thành được 3 THT (1 THT sản xuất lúa giống; 1 THT sản xuất và tiêu thụ củ hành tím; 1 THT nông nghiệp Tân Điền 1) với mục đích tập hợp những người sản xuất vào tổ chức hợp tác, nhằm tìm kiếm sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Đến nay có thể nói rằng, các THT được duy trì, phát triển và hoạt động rất có hiệu quả.
Thời gian qua, xã Tân Điền đặc biệt chú trọng đến mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Từ vụ đông xuân 2013-2014, xã đã xây dựng và duy trì được mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty Lương thực tỉnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân.
2 vụ đầu, mô hình thực hiện với quy mô từ 40 - 42 ha/vụ, đã cho thấy hiệu quả tăng rõ rệt. Nông dân tham gia sản xuất trong mô hình thu được lợi nhuận từ 25 - 35 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng/ha so với các hộ sản xuất không theo mô hình.
Ông Nguyễn Văn Nhiều, nông dân sản xuất lúa theo mô hình trên ở ấp Trung bày tỏ: “Tôi tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa do Công ty Lương thực bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu. Vụ đầu tiên, công ty đưa giống ST 20 về sản xuất rất thích hợp với vùng đất này, lúa cho năng suất cao, dễ trồng.
Sau khi thu hoạch, công ty mua với giá 7.000 đồng/kg, 2,2 ha lúa của tôi cho lời khoảng 100 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, xã đang xúc tiến mở rộng diện tích liên kết “4 nhà” này lên 100 ha. Xã còn phối hợp với các cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật triển khai Chương trình “3 giảm 3 tăng” trên cánh đồng ấp Bắc 1, ấp Bắc 2, nhằm giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa, giúp tăng hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng sản phẩm.
TẬP TRUNG NÂNG CẤP CƠ SỞ HẠ TẦNG
Theo ông Đặng Thành Hậu, Chủ tịch UBND xã, cũng như các nơi khác, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng được xác định là những tiêu chí khó, đòi hỏi kinh phí lớn, quá trình đầu tư lâu dài. 10 năm rồi, Tân Điền là xã Văn hóa; vừa qua xã được công nhận xã Văn hóa NTM là thuận lợi lớn cho xã đi lên NTM. Song, việc được chọn làm xã điểm xây dựng NTM có phần muộn hơn nhiều nơi khác (tháng 8 -2013) cũng gây khó khăn, áp lực nhất định.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền xã, sự hỗ trợ của cấp trên, cùng sự đồng thuận của nhân dân, đến nay xã đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm tiền đề để thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác. Từ năm 2012 đến nay, xã đã xây dựng 9 tuyến đường giao thông nông thôn trục chính nội đồng, đường trục ngõ xóm quan trọng với tổng chiều dài trên 7 km, trong đó vốn đóng góp của dân 2,6 tỷ đồng.
Từ hiện trạng ban đầu đạt 5 tiêu chí, đến nay Tân Điền đã đạt 14/19 tiêu chí. Xã phấn đấu đến cuối năm 2014 cơ bản đạt 16 tiêu chí và tiếp tục nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt xã NTM vào quý 3 - 2015. Theo điều tra, khảo sát, năm 2011 thu nhập bình quân của xã đạt 16 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 25,6 triệu đồng/người/năm. Xã phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt mức 29 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã 7%, đến năm 2013 còn 6%, phấn đấu đến cuối năm nay còn 4,5% theo hướng bền vững, không tái nghèo. |
Thật vậy, về Tân Điền trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được diện mạo của xã cuối nguồn ngọt hóa có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều tuyến đường được lót dal, trải nhựa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thay thế cho những con đường lầy lội trước đây.
Ông Nguyễn Văn Đơ, dân ở ấp Trung cho biết, trước đây con đường dọc kinh U Du lầy lội lắm, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa rất khó khăn.
Vì thế, khi chính quyền đến vận động dân hiến đất, Nhà nước bỏ tiền để lót dal tuyến đường này là ông ủng hộ ngay và sẵn sàng hiến 200 m2 đất dọc tuyến đường đi qua.
Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013, ai nấy đều phấn khởi. “Không chỉ mình tôi đâu, người dân nơi đây rất hưởng ứng vào việc xây đường. Đây là việc nên làm mà” - ông Đơ nói.
Hệ thống trường lớp cũng được xây mới, nâng cấp, sửa chữa theo chuẩn Quốc gia. Ông Đặng Thành Hậu chỉ cho chúng tôi ngôi trường gần UBND xã và nói: “Mới ngày nào, ngôi trường này xuống cấp, ọp ẹp lắm mà giờ đây khang trang, bề thế như thế. Đây là ví dụ điển hình trong số rất nhiều công trình hạ tầng đã mọc lên từ chương trình xây dựng NTM”.
Đối với Tân Điền, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa được xem khó hoàn thành nhất. Xác định như thế, bằng các nguồn đầu tư, theo kế hoạch và lộ trình, xã và các ngành chức năng đang và sẽ nỗ lực nâng cấp tiêu chí này. Theo đó, dự kiến đầu năm 2015, huyện sẽ xúc tiến xây dựng mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, xã đầu tư 2 nhà văn hóa liên ấp và khu thể thao. Khi các công trình này hoàn tất thì xã hoàn thành tiêu chí này.
“Trường lớp được đầu tư theo chuẩn Quốc gia; hệ thống thủy lợi được hoàn thiện; đường giao thông nối các đường trục chính nội đồng với 2 tuyến trục chính xã, đường huyện lộ được hình thành… đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn ven biển. Đó là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở xã, sự hỗ trợ của huyện, tỉnh cùng với sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng NTM” - ông Hậu bày tỏ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hậu, để đạt mục tiêu xã NTM vào quý 3 - 2015, Tân Điền cần tăng tốc hơn nữa, cộng với sự hỗ trợ quyết liệt của các ngành, các cấp mới có thể về đích đúng hạn định, nhất là các tiêu chí liên quan đến vốn đầu tư.
N.VĂN