Chị Đoàn Thị Thanh Nghệ: Cán bộ chuyên trách dân số tận tâm
Xã Hậu Mỹ Bắc B là 1 trong những xã vùng sâu của huyện Cái Bè, trước đây tỷ lệ người áp dụng biện pháp tránh thai rất thấp, từ đó tỷ lệ sinh ở mức cao (nhất là sinh con thứ 3 trở lên).
Với tinh thần cần cù, chịu khó nhưng rất năng động và sáng tạo, trong nhiều năm liền, chị Đoàn Thị Thanh Nghệ, cán bộ chuyên trách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của xã luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ.
Tham gia công tác dân số từ năm 1998, chị Đoàn Thị Thanh Nghệ nhận thức được mình phải làm gì để giúp người dân trong xã của mình hiểu rõ hơn về công tác Dân số - KHHGĐ, cũng như những lợi ích về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với trách nhiệm của mình, chị thường xuyên theo dõi, thống kê danh sách những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong xã, nhất là những người đang mang thai hay mới sinh, những người có con một bề để có kế hoạch tuyên truyền, vận động, tư vấn cặn kẽ về chăm sóc SKSS, KHHGĐ, vận động hạn chế sinh con thứ 3 trở lên.
Chị tâm sự: Khi mới tham gia công tác dân số chị chưa hiểu biết nhiều về lĩnh vực Dân số - KHHGĐ, nhưng khi được tham gia lớp tập huấn do Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện, tỉnh tổ chức, chị đúc kết được những kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc SKSS, KHHGĐ.
Từ đó, chị thường xuyên trao đổi, trò chuyện, tư vấn cho chị em về vấn đề thực hiện KHHGĐ. Với chị, khẩu hiệu “mưa dầm thấm sâu” là phương châm để vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi có lợi cho lĩnh vực dân số. Qua đó tỷ lệ sinh con của xã giảm đáng kể: Năm 2012 và năm 2013 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Trong công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ, chị còn phân tích, dẫn chứng những hộ gia đình có từ 1 - 2 con xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ, con cái học hành đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình ngày một giàu có để cho những hộ khác học hỏi và đi đến hành động.
Chị còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, ấp để lồng ghép nhân các cuộc họp để tuyên truyền về chăm sóc SKSS, KHHGĐ, Luật Hôn nhân gia đình…
Từ những việc làm thiết thực của chị mà trong những năm gần đây tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ của xã áp dụng các biện pháp tránh thai tăng lên đáng kể, số người sinh con thứ 3 trở lên hầu như không có, góp phần cùng xã nhà thực hiện thắng lợi chính sách Dân số - KHHGĐ.
Năm 2005, số người áp dụng biện pháp tránh thai của xã là 49,5%, đến năm 2013 là 80,24% so với số phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của xã năm 2005 là 1,43%, năm 2013 là 0,92%.
Không chỉ là cán bộ dân số nói hay, làm giỏi, chị còn hết lòng, hết sức giúp đỡ mọi người, bằng cách liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu cho các chị em vay vốn tín chấp của Hội để mua bán, sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình… Bằng nguồn vốn này nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
TÔ VĂN CHÍNH