Thứ Hai, 24/11/2014, 05:49 (GMT+7)
.
HỘI BẢO TRỢ BỆNH NHÂN NGHÈO, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ TRẺ MỒ CÔI TỈNH:

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em mồ côi, khuyết tật

Tháng 3-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 471 về việc đổi tên “Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh” thành “Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh”(sau đây gọi tắt là Hội Bảo trợ). Hội Bảo trợ đã phát huy tốt vai trò là cầu nối cho các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trong đó có cả trẻ em khuyết tật và mồ côi.

Em Võ Thị Lệ Quyên và Võ Văn Ân là 2 chị em ruột ở ấp Lý Quàn 1, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông có hoàn cảnh rất khó khăn. Năm 2007 cha chết, sau đó mẹ đi lấy chồng khác, 2 em được ông nội rước về nuôi. Sau đó, ông nội cũng bị bệnh mất, 2 chị em nương tựa nhau mà sống. Nhà không có đất sản xuất, không người nuôi nấng, Quyên và Ân phải sống nhờ vào tình thương của bà con lối xóm và thầy, cô giáo.

Em Nguyễn Thị Mỹ Uyên, sinh ra đã không có đôi tay.
Em Nguyễn Thị Mỹ Uyên, sinh ra đã không có đôi tay.

Biết được hoàn cảnh của 2 em, Hội Bảo trợ đã vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ mỗi tháng 1 triệu đồng đến hết năm 2016. Nhờ vậy, 2 chị em Quyên có điều kiện đến trường. Quyên hiện đang học lớp 11, còn Ân học lớp 4 tại huyện Tân Phú Đông. Hội Bảo trợ cho biết sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ 2 em có điều kiện học tập không chỉ đến lớp 12, mà có thể hỗ trợ các em học đại học.

Không may ba mẹ bị tai nạn giao thông qua đời, 3 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đó là hoàn cảnh của 3 em ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Sau khi ba mẹ mất, 3 em được bà ngoại Nguyễn Thị Hòa ở ấp 4, xã Tam Hiệp cưu mang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng bà vẫn phải cố gắng đi làm mướn để lo cho các cháu.

Biết được hoàn cảnh của 4 bà cháu, Hội Bảo trợ đã hỗ trợ ngay 1 triệu đồng và vận động các doanh nghiệp ở xã Tam Hiệp (cửa hàng thuốc trừ sâu Năm Bom và kho gạo Quyên…) hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà cho 4 bà cháu. Vận động Hội Khuyến học, nhà hảo tâm trao học bổng và tặng tập, sách để các em có thể tiếp tục đến trường.

Hình ảnh những trẻ thơ không may khiếm khuyết về thể trạng hoặc trí tuệ khiến nhiều người cảm thấy xót lòng. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, em Nguyễn Thị Mỹ Uyên, 3 tuổi, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành không may bị dị tật bẩm sinh, em không có đôi tay.

Trong lần đi trao quà, học bổng cho các em khuyết tật, mồ côi, nhìn thấy em Mỹ Uyên, ông Phan Văn Hà, Chủ tịch Hội Bảo trợ không khỏi xúc động: “Bất kỳ ai chắc cũng không thể cầm lòng khi nhìn thấy các cháu nhỏ bị khuyết tật về thân thể và trí tuệ. Khuyết tật về thân thể rất khó khăn trong sinh hoạt, học tập; còn các cháu khuyết tật về trí tuệ thì lại càng đau lòng, không thể hình dung cuộc sống của các em sẽ ra sao. Vì thế, Hội Bảo trợ rất cần sự chung tay giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo cho trẻ em mồ côi, khuyết tật để các em vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống”.

Có tận mắt chứng kiến và tận tai nghe những lời tâm sự của các em mồ côi, khuyết tật mới có thể cảm nhận nỗi khổ, khó khăn của các em. Trong lần cùng Hội Bảo trợ đi trao học bổng cho các em, chúng tôi gặp em Huỳnh Ngọc Quế Nhi, học lớp 5 Trường Tiểu học Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây rụt rè:

“Em mồ côi cha, mẹ đi làm công nhân, em và đứa em sống với ông bà nội. Ông nội em già lắm rồi nhưng hàng ngày vẫn phải đạp xe đưa em đi học. Thầy cô và các cô chú thường động viên và cho em sách vở để đi học. Em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mọi người”.

Được biết, hiện toàn tỉnh có gần 1.500 trẻ em khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng; hơn 1.000 trẻ em mồ côi, khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội. Bên cạnh, những trẻ khuyết tật không thể tái hòa nhập cộng đồng hoặc những trẻ mồ côi không được hưởng trợ cấp xã hội vẫn còn rất nhiều. Chính vì thế, với vai trò của Hội Bảo trợ sẽ luôn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm, quan tâm, chăm sóc và kịp thời hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 2 năm qua, Hội Bảo trợ đã vận động và trao hàng trăm suất học bổng, quà cho học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi trên địa bàn tỉnh. Vận động các đơn vị nhận đỡ đầu và trợ cấp lâu dài cho gần 10 em học sinh khuyết tật, mồ côi có điều kiện đến trường.

Bà Đoàn Thị Hồng Châu, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ cho biết: “Hội đang có kế hoạch mở rộng vận động các đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ lâu dài cho các em nhiều hơn nữa, để các em có điều kiện học tập. Còn những em nào không thể học được sẽ hỗ trợ cho các em học những ngành nghề phù hợp. Đặc biệt, đối với những trẻ em khuyết tật về trí tuệ, mồ côi sống nương tựa vào người thân thì Hội sẽ cố gắng hỗ trợ người trực tiếp nuôi dưỡng các em về vốn hoặc nghề nghiệp để có điều kiện chăm lo cho các em”.

Chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật nói chung, trẻ mồ côi, khuyết tật nói riêng là nhiệm vụ của cả cộng đồng xã hội và là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mong rằng ngày càng có nhiều tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm hỗ trợ đóng góp nhằm tạo điều kiện giúp đỡ để họ giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

P. MAI

.
.
.