Hội LHPN xã Bình Nghị:Nhiều mô hình "Dân vận khéo" mang lại hiệu quả cao
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông đã xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên nòng cốt làm công tác dân vận, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khả năng tuyên truyền và vận động đông đảo chị em tham gia sinh hoạt Hội. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình "Dân vận khéo" gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Những mô hình "Dân vận khéo"
Hội LHPN xã Bình Nghị hiện có hơn 2.400 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại 5 Chi hội. Thời gian qua, Hội đã duy trì nhiều hình thức sinh hoạt, phong phú, đa dạng, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, thăm hỏi động viên lúc ốm đau, bệnh tật. Thường xuyên đi đến cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của chị em, để kịp thời giải quyết. Từ đó, tạo được niềm tin cho chị em hội viên.
Các phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không 3 sạch"; rèn luyện các phẩm chất đạo đức "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" được triển khai sâu rộng và thu hút đông đảo chị em hội viên đăng ký thực hiện. Kết quả hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, Hội đã tích cực vận động chị em hội viên tham gia các nguồn vốn như: vốn xoay vòng, vốn tiết kiệm từ việc nuôi heo đất, vốn vay từ ngân hàng chính sách về trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, nuôi dê... giúp nhiều chị em hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng được gia đình ấm no, hạnh phúc.
Chị Huỳnh Thị Thương Em, ấp Hòa Bình nói: "Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, được sự vận động của Hội LHPN xã tôi mạnh dạn vay nguồn vốn dành cho phụ nữ về chăn nuôi dê. Từ đó, kinh tế gia đình đã khá lên và có nhiều thời gian hơn để tham gia công tác Hội. Đến nay, tôi đã hoàn vốn lại cho hội, tiếp tục cho chị em hội viên khác vay".
Ngoài ra, Hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động 250 cặp vợ chồng tham gia chương trình "Wind" cải thiện nước sinh hoạt vệ sinh môi trường và 280 hội viên phụ nữ thực hiện ngôi nhà 3 sạch, vận động chị em tham gia dự án CHOBA xây dựng nhà vệ sinh 3 cứng. Đến nay, tổng số nhà vệ sinh đạt chuẩn CHOBA lên 158/197 hộ, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hội còn phối hợp với Hội Nông dân và các ban ngành đoàn thể xã phát huy vai trò "Dân vận khéo" trong việc thực hiện vận động chị em hội viên đi tuyên truyền, thu gom, vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tập kết đúng nơi quy định, vừa tạo vẻ mỹ quan, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Chị Phan Thị Nghĩa nói: "Trước đây chưa có điểm tập kết vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì hiện trạng vỏ, bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi, vừa ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng nguồn nước. Bây giờ có điểm tập kết này, người dân đã ý thức hơn nhiều. Hàng tháng, chúng tôi cùng các ban ngành đoàn thể đi thu gom về để đúng nơi quy định, để Công ty thuốc BVTV đến mang đi tiêu hủy".
Hàng năm, Hội LHPN xã còn vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, tặng quà Tết cho chị em có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho tân binh nhập ngũ, mua thẻ bảo hiểm cho hộ cận nghèo trên địa bàn xã...
Chị Trương Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nghị cho biết: "Thời gian qua, các cấp hội luôn phát huy vai trò "Dân vận khéo" trong việc vận động chị em phụ nữ tham gia các phong trào. Người đứng đầu phải hiểu, phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên từ đó xây dựng các mô hình thích hợp, vừa có lợi cho cá nhân vừa có lợi cho tập thể...Có như vậy, mới thu hút được đông đảo chị em tham gia vào hội. Từ đó, hoạt động hội mới thật sự vững mạnh".
Lấy Chi hội cơ sở làm nền tảng
Chị Trương Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nghị nói: "Mỗi Chi hội trưởng đóng vai trò một "đầu tàu", sẽ phát huy vai trò dân vận của mình trong công tác điều hành và vận động hội viên tham gia. Chi hội nào thực sự vững mạnh mình sẽ chọn Chi hội đó làm nền tảng để các Chi hội khác học hỏi, làm theo".
Điển hình việc ủ phân hữu cơ bằng thùng rác Compost được hội thí điểm tại Chi hội ấp Hòa Bình. Lúc đầu chỉ có 20 chị em tham gia ủ phân hữu cơ bằng thùng rác compost do Trung ương Hội hỗ trợ. Thấy có hiệu quả kinh tế cao, rác ủ cho ra phân như ý muốn, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa hạn chế sự ô nhiễm môi trường do vứt rác bừa bãi. Đến nay, có thêm 10 hộ gia đình hội viên tự trang bị thùng ủ. Đây là một mô hình hiệu quả, thời gian tới sẽ được triển khai, nhân rộng ra các Chi hội còn lại.
Chị Lê Võ Thị Mừng, ấp Hòa Bình cho biết: "Hàng ngày, tôi thường đi gom rác và các loại lá cây về ủ. Lượng phân tuy không nhiều nhưng có hoài. Trước đây, khi chưa ủ phân thì phải mất một số tiền mua phân hóa học về bón cho cây, nay có thùng ủ phân này thì lượng phân hóa học giảm đi đáng kể, tiết kiệm được chi phí rất nhiều".
Còn chị Lê Thị Trang thì gắn bó với việc trồng rau cải hàng năm, nên cần rất nhiều lượng phân hữu cơ. Chị Trang nói: "Các loại rau cải, vỏ bầu, bí, xác mía...tôi đều bỏ vào thùng ủ, giữ độ ẩm thích hợp, khoảng 60 ngày sẽ có phân hữu cơ để sử dụng bón cho hoa màu. Rau màu mà gặp phân hữu cơ thì "bén" ngay. Năm nào tôi cũng đi gom các loại lá cây về ủ phân thật nhiều. Tết đến tôi trồng thêm hoa vạn thọ, mồng gà, hoa cúc...bán kiếm đủ tiền lo cho 3 ngày Tết.
Ngoài ra, Hội còn phát động phong trào xây dựng đoạn đường không rác ở từng Chi hội. Đến nay, đồng loạt 5/5 Chi hội đều có đoạn đường không rác với chiều dài 2.500m, do hội viên phụ nữ quản lý, giữ gìn vệ sinh và quét dọn theo định kỳ, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, góp phần cùng xã sớm hoàn thành tiêu chí "môi trường".
Song song đó, các Chi hội tiếp tục đẩy mạnh chung sức xây dựng NTM, rà soát và nắm lại tình hình tham gia xây dựng NTM gắn với đăng ký thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Tuyên tuyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức cho phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ”; “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; “Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn” năm 2014...
Đồng thời, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong dân vận, phát triển kinh tế, xã hội, tập trung hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm điểm chỉ đạo các phong trào thi đua, các cuộc vận động để thu hút, tập hợp chị em vào tổ chức, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.
Bà Lê Thị Hồng Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Công Đông cho biết: "Có thể nói, Hội LHPN xã Bình Nghị là một trong những đơn vị biết phát huy vai trò "Dân vận khéo" trong việc tập hợp chị em hội viên tham gia vào Hội, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả. Biết chọn thế mạnh của từng Chi hội để xây dựng những mô hình điểm cho các Chi hội khác noi theo. Với những định hướng đúng đắn này, nhiều năm liền Hội LHPN xã Bình Nghị luôn dẫn đầu trong toàn huyện".
VĂN MINH