Huyện Cai Lậy: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri 18 TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Cai Lậy được triển khai với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho hội viên Hội LHPN. |
Nội dung tuyên truyền thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng đối tượng, tập trung hướng về cơ sở và những địa bàn phức tạp về tình hình an ninh trật tự.
Hình thức tuyên truyền khá phong phú, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức thực thi pháp luật của người dân. Bình quân hàng năm các cấp, các ngành, đoàn thể ở huyện Cai Lậy tổ chức trên 9.000 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, với 500.000 lượt người tham dự, tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: Luật Dân sự; Luật Đất đai; Luật Giao thông; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo...
10 năm qua, UBND huyện Cai Lậy đã tổ chức 112 hội nghị triển khai 60 văn bản pháp luật mới ban hành và các văn bản pháp luật hiện hành có phạm vi áp dụng rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Huyện còn trang bị 155 tủ sách pháp luật để cán bộ, công chức và người dân tiếp cận những văn bản pháp luật mới ban hành, tìm hiểu nghiên cứu pháp luật.
Về hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng đã phát huy hiệu quả, hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, tiết kiệm và hạn chế tối đa chi phí về thời gian và tiền bạc cho các bên tranh chấp… Toàn huyện có 197 tổ hòa giải với 1.355 hòa giải viên. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận gần 7.500 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 81,2%.
Công tác hòa giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn, hiện có 25 thành viên, 21 báo cáo viên cấp huyện và 210 tuyên truyền viên cấp xã. Các thành viên Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện được trang bị kiến thức và trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Công tác kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, với các nội dung: Ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện; kiện toàn đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý khai thác “Tủ sách pháp luật”, hoạt động hòa giải ở cơ sở…; kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở; đồng thời làm cơ sở đánh giá đúng thực chất, đề ra giải pháp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri 18 TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Cai Lậy đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Cai Lậy tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức tuyên truyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhân rộng kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, hiệu quả nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
TRƯỜNG GIANG