Nhức nhối nỗi đau trẻ em bị bỏ rơi: Mái ấm cho trẻ lạc loài
Bài 1: Nhức nhối nỗi đau trẻ em bị bỏ rơi: "Mẹ ơi đừng bỏ rơi con!"
Bài 2: Nhức nhối nỗi đau trẻ em bị bỏ rơi: Vì đâu nên nỗi?
Hiện nay, Tiền Giang có 3 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có quy mô lớn là: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Mái ấm Kim Phước và chùa Tịnh Nghiêm. Ngoài ra, còn có gần 400 gia đình, tổ chức, cơ sở tôn giáo cảm thương hoàn cảnh của những đứa trẻ côi cút nên đã nhận các em về nuôi dưỡng, chăm sóc. Phần lớn các em được chăm sóc, nuôi dưỡng khá chu đáo nên hòa nhập tốt vào cộng đồng.
VỀ CHỐN AN BÌNH
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, trẻ em bị xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện tại Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục 13 trẻ em bị bỏ rơi. Trẻ em đến tuổi đi học đều được đưa đến học tại các trường trên địa bàn. Trung tâm còn trợ cấp, nuôi dưỡng và tạo điều kiện để các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ được tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề và hỗ trợ giới thiệu việc làm để khi hòa nhập cộng đồng các em có cuộc sống ổn định.
Riêng những năm gần đây, thực hiện quy định của Nhà nước, đối tượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được giải quyết cho gia đình nuôi thay thế. Những gia đình được Trung tâm chọn gửi gắm các em đều được tìm hiểu kỹ về nhân thân cha mẹ nuôi cũng như điều kiện kinh tế đảm bảo đủ khả năng nuôi dưỡng bé. Sau khi chuyển bé cho gia đình nuôi thay thế, Trung tâm có sự giám sát kỹ. Qua giám sát, các em được cha mẹ nuôi chăm sóc, yêu thương và không phát hiện trường hợp nào bị ngược đãi hay xâm hại.
Được nuôi dưỡng và chăm sóc bằng tình thương, trẻ mồ côi sẽ trưởng thành, hoàn thiện cả về nhân cách và thể chất. |
Cùng với chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, cánh cửa chùa cũng rộng mở đón các em nhỏ bơ vơ. Chùa Tịnh Nghiêm (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) là 1 trong nhiều nơi như vậy. Từ lúc lập chùa năm 1982 đến nay, có trên 20 trẻ em bị bỏ rơi được chùa nuôi nấng, trưởng thành bằng tình thương và sự từ tâm của các sư cô.
Tất cả trẻ mồ côi, bị bỏ rơi do chùa nuôi dưỡng đều được đến lớp đàng hoàng như bao trẻ em cùng trang lứa. Theo quy định của chùa, khi đủ 18 tuổi các em được phép rời chùa trở về cộng đồng nếu không muốn xuất gia. Từ sự chăm sóc, dạy bảo của chùa, nhiều em đã lớn khôn, trưởng thành và thành đạt trong xã hội.
Mái ấm Kim Phước là cơ sở bảo trợ xã hội được chùa Kim Phước (ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) lập cách nay hơn 8 năm. Việc thành lập mái ấm này xuất phát từ cái tâm của Đại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa. Cảm thương những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, sư thầy đón các cụ về chăm sóc, phụng dưỡng. Dần dà, tiếng lành đồn xa, đối tượng đến xin nương nhờ cửa chùa ngày càng nhiều.
Thế rồi, cách nay 4 năm chùa lại đón nhận thêm những trẻ em bị bỏ rơi. Tháng 7-2012, mái ấm này được UBND huyện Cai Lậy cấp phép hoạt động với tên “Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Kim Phước”. Hiện tại, mái ấm đang nuôi dưỡng 89 người, trong đó có 14 trẻ em, bao gồm 6 trẻ mồ côi và 8 trẻ bị bỏ rơi.
Được cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và các sư cô, sư thầy chăm sóc, yêu thương như con cháu đã giúp những trẻ em lạc loài tình thân tìm thấy hạnh phúc đầm ấm. Bé Pháp Trí, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho là 1 trong những cô nhi đang được chùa Tịnh Nghiêm nuôi dưỡng.
Hàng ngày được sư cô đưa đến cổng trường, Pháp Trí tung tăng dắt 2 chú tiểu khác (cũng là cô nhi tại chùa) lên lớp. Cậu bé vui vẻ: “Cũng như các bạn, con có anh chị và cũng có em nữa. Con có tới 3 đứa em, ngoài 2 em này, con còn 1 em gái đang ở chùa. Các bạn có cha mẹ, ông bà thì ở chùa con được sư bà và các sư cô thương yêu, đâu có gì phải buồn nữa!”.
TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI ẤM
Các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh luôn cố gắng bù đắp cho những trẻ em lạc loài tình thương gia đình, cho các em được hưởng hạnh phúc đầm ấm, giúp các em vượt qua mặc cảm côi cút mà nỗ lực vươn lên với đời. Đã có rất nhiều em trưởng thành và tìm thấy hạnh phúc từ sự vun vén yêu thương của cộng đồng và nghị lực của chính bản thân. T. là 1 trong số những trẻ em trưởng thành từ mái ấm, là 1 trong những trẻ em mồ côi đầu tiên được chùa Tịnh Nghiêm nhận về nuôi dưỡng hơn 30 năm trước.
Sau khi tròn 18 tuổi, T. không xuất gia mà mong muốn được hoàn tục. T. học hành chăm chỉ, đạt thành tích cao trong học tập và trở thành cán bộ năng động của Cảng vụ Mỹ Tho. Điều đáng trân trọng ở T. không chỉ là nghị lực vượt khó, mà còn ở tình thương của cô đối với những trẻ em cùng cảnh ngộ. Cô đã dành phần lớn thu nhập của mình để nuôi dưỡng và trợ giúp trẻ em mồ côi tại các cơ sở xã hội. Hiện tại, T. là người cung cấp tài chính để nuôi dưỡng bé gái vừa bị bỏ rơi tại chùa Tịnh Nghiêm 6 tháng trước.
Cũng là trẻ em trưởng thành từ mái ấm, còn có những tấm gương vượt khó như thầy Tuấn, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang; cô Phương, giáo viên Trường Tiểu học Âu Dương Lân, TP. Mỹ Tho… Được biết, tất cả trẻ mồ côi trưởng thành từ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện tại đều có việc làm ổn định, nhiều em đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Dự, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH là người có kinh nghiệm trong chuyện “ngồi sui”. Nguyên là Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhiều năm, ông Dự được nhiều chàng trai, cô gái trưởng thành từ Trung tâm kính trọng như cha. Thế nên khi họ lập gia thất thì ông Dự được mời đi “ngồi sui”. Tính đến nay ông đã “ngồi sui” hơn chục đám như vậy.
Cười vui, ông Dự chia sẻ: “Tháng trước tôi ra tỉnh Bình Dương cưới vợ cho thằng Tý. Nó học trung cấp nghề rồi đi làm cho công ty của Nhật ở tỉnh Bình Dương. Có người thương nhưng nhà gái yêu cầu phải có “người lớn” đến nói chuyện mới thuận gả con. Vậy là nó quay về Trung tâm nhờ tôi với cô Châu lên giáp mặt nhà gái, sau đó thì làm chủ hôn đám cưới.
Sáng hôm qua nó dẫn vợ về Trung tâm ra mắt bà con bên chồng (cán bộ và trại viên của Trung tâm). Giờ tôi có cả chục sui rồi đó, từ Nha Trang vô tới Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Không phải mình ham làm sui, nhưng trong sự kiện quan trọng cuộc đời, có “người lớn” đứng làm chủ hôn để mấy “đứa nhỏ” đỡ mũi lòng. Mong sao mấy “đứa nhỏ” có mái ấm hạnh phúc của riêng mình!”.
Thiệt thòi không có được hơi ấm yêu thương từ các đấng sinh thành nhưng từ tình thương yêu của những người xung quanh, nhiều trẻ mồ côi đã nên người hữu ích. Đó là niềm vui của những người giàu lòng từ tâm chốn cửa thiền, là hạnh phúc của các cán bộ công tác tại cơ sở bảo trợ xã hội và của những trái tim yêu trẻ trong cộng đồng.
THỦY HÀ
Bài cuối: Không gì quý bằng tình thân