Thứ Hai, 03/11/2014, 16:49 (GMT+7)
.

Nhức nhối nỗi đau trẻ em bị bỏ rơi: Vì đâu nên nỗi?

Bài 1: Nhức nhối nỗi đau trẻ em bị bỏ rơi: "Mẹ ơi đừng bỏ rơi con!"

Nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ngợi ca tình mẹ. Tình thương mà mẹ dành cho con sánh như trời cao biển rộng, nên dù “con đi cuối biển, cùng trời cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Vậy thì tại sao lại có những đứa trẻ lạc loài tình mẫu tử?

Sản phụ khai tên là Nguyễn Ngọc Diễm, ngụ ấp Bình Tạo A, xã Trung An,  TP. Mỹ Tho đã bỏ lại con trai tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.
Sản phụ khai tên là Nguyễn Ngọc Diễm, ngụ ấp Bình Tạo A, xã Trung An, TP. Mỹ Tho đã bỏ lại con trai tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.

BỎ CON VÌ TRÓT LỠ LẦM

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng buông ra câu “Không chồng mà chửa mới ngoan. Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường” như một sự phản kháng lại với định kiến khắc nghiệt của xã hội phong kiến đối với những cô gái lỡ lầm.

Cuộc sống hiện đại không quá nghiệt ngã, nhưng chuyện “không chồng mà chửa” miệng đời vẫn còn gay gắt. Thế nên, nhiều cô gái lỡ mang thai ngoài hôn nhân đã phải hành động nông nổi vì không thể vượt qua dư luận thế gian. 

L.N là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại TP. Cần Thơ là 1 ví dụ. L.N khá xinh xắn, vừa rời tỉnh lẻ lên thành phố, môi trường mới với bao điều lạ lẫm. Cảm giác trống trải của cô gái trẻ xa nhà đã nhanh chóng đẩy cô đến với mối tình sinh viên nóng bỏng.

L.N và bạn trai đã “góp gạo thổi cơm chung”, sống cuộc sống như vợ chồng. Do không có kiến thức phòng tránh thai đúng cách nên L.N đã mang thai khi còn đang ngồi ở ghế giảng đường. Người xưa thường nói, cái gì dễ có cũng dễ dàng ra đi.

Khi biết L.N mang thai, người yêu của cô chẳng những không cùng chịu trách nhiệm mà lẳng lặng biệt tăm. Một mình ôm cái bào thai đã lớn, L.N không dám quay về quê. Bạn bè biết chuyện đã khuyên nhủ L.N nên hủy cái thai trong bụng để tiện việc học hành và không làm xấu mặt gia đình, nhưng ngặt nỗi cái thai đã quá lớn.

Đến ngày sinh nở, L.N một mình đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy sinh con và rồi âm thầm nuốt nước mắt ra đi, bỏ lại con thơ đang khóc đòi sữa mẹ.

Không lâu trước đó, tôi từng gặp một cô gái trẻ với đôi mắt sưng húp, bế đứa con còn đỏ hỏn trên tay đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Cô gái không cho biết họ tên, quê quán, mà chỉ khai đang là công nhân làm việc trong 1 khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Vì lỡ mang thai, sinh ra đứa con không được thừa nhận nên cô không thể nuôi con một mình, xin được cho đi đứa con trai bé bỏng để có thể tiếp tục đi làm nuôi thân.

Các cán bộ của Trung tâm không thể tiếp nhận nên động viên cô gái đừng bỏ con mình vì không gì quý bằng tình thân ruột thịt. Bởi vì, theo quy định, Trung tâm chỉ nhận nuôi những trường hợp trẻ không còn thân nhân, đằng này bé còn mẹ, còn ông bà. Thế là cô gái trẻ ôm con đi. Sau đó đứa bé được đưa trở lại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, vì em đã bị mẹ bỏ lại ven một con đường làng của xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho.

NGHÈO KHÔNG NUÔI NỔI CON THƠ

Trong số những trường hợp tôi biết, có những người bỏ lại đàn con nheo nhóc chỉ vì gia cảnh quá túng quẩn. Họ đã sẵn sàng dứt áo ra đi, bỏ lại sau lưng họ đàn con nheo nhóc gọi mẹ, kêu cha. P.T là 1 trong những trường hợp đó. Nhà nghèo, mẹ bỏ nhà ra đi, P.T ở cùng cha. Nhưng người cha ấy đã mang em đến chùa ký thác vì lý do “nghèo quá nuôi hổng nổi”.

Vắng mẹ, xa cha, đến sống trong môi trường mới, xung quanh là những người xa lạ, những ngày đầu cậu bé như rơi tỏm xuống vực thẳm. Được các sư cô động viên, an ủi, chăm sóc chu đáo, P.T. đã dần hòa nhập, nhưng cảm giác bị người thân bỏ rơi khó lòng khỏa lấp trong tâm hồn non trẻ của em. Có điều, P.T còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ côi cút khác.

Tôi nhớ nhất trường hợp 4 anh em: Nguyễn Châu Ngọc Quang (SN 2004), Nguyễn Châu Ngọc Sang (SN 2006), Nguyễn Châu Ngọc Trâm (SN 2009) và Nguyễn Châu Ngọc Hân (SN 2010). 4 đứa bé này là con của ông Nguyễn Văn Hùng, nhà ở đường Phan Thanh Giản, phường 3, TP. Mỹ Tho.

Cả 4 em đều không có giấy khai sinh và cũng chẳng có hộ khẩu. Theo những người hàng xóm của các em, 4 đứa trẻ này bị mẹ bỏ đi biệt tăm từ hơn 2 năm trước, lúc đó Ngọc Hân mới hơn 1 tuổi. Cha của các em hành nghề bốc vác, sáng đi tối về chỉ biết nhậu nhẹt, không hề “ngó ngàng” tới con cái.

Thấy mấy đứa trẻ nheo nhóc, những người hàng xóm có gì cho nấy. Ăn không đủ no, 4 anh em dắt nhau đi lượm lặt thức ăn thừa lót dạ. Không được chăm sóc, dạy dỗ, bé Ngọc Hân dù đã gần 4 tuổi nhưng vẫn chưa thể nói tròn được tiếng “dạ, thưa”. Thế là chòm xóm đã đến báo với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhờ giúp đỡ.

  Trong 1 căn nhà chưa đầy 20 m2 mà các em đang sống không hề có thứ vật dụng nào sạch sẽ, đàng hoàng. Chưa vào nhà, chỉ cần đến gần căn nhà, người ta đã phải bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc từ trong căn nhà tỏa ra.

Căn nhà không có nhà vệ sinh. Mọi chuyện ngủ nghỉ, chơi đùa, ăn uống và cả tiểu tiện của các em đều ở trong 20 m2 đó. Quần áo bẩn thỉu, mặt mày lem luốc là hình ảnh thường nhật của cả 4 đứa trẻ này. Khi được cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đến đón về nuôi dưỡng, các em thậm chí còn không có đủ áo quần để mặc.

VÌ CON LÀ CỦA NỢ!

Con cái chào đời là niềm vui, hạnh phúc tuyệt vời, là sự đón đợi của đấng sinh thành. Oái oăm thay, đôi khi có những đứa trẻ chào đời “không đúng lúc” thì với cha mẹ các em chính là “của nợ”, phải vứt bỏ. Thật là xót xa! Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội trẻ em của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh bức xúc vì không phải ai bỏ con cũng do hoàn cảnh thương tâm như nhà nghèo, bệnh tật hay lý do gì đó có thể thông cảm được.

Chị Hằng nhớ hoài trường hợp 1 bé trai được 1 phụ nữ đứng tuổi, ăn mặc sang trọng bế đến Trung tâm. Người phụ nữ ấy nằng nặc đòi bỏ lại đứa bé, vì đây là cháu ngoại của bà. Bà cho biết, gia đình bà thuộc hàng gia thế ở tỉnh Bến Tre, nhưng nhà “vô phúc”, con gái của bà “trẻ người non dạ” nên bị người ta dụ dỗ. Không thể chấp nhận được chuyện xấu hổ này nên gia đình quyết định phải cho đi đứa bé để mẹ của bé “rảnh tay” đi lấy chồng.

Bà ấy nói: “Mẹ nó sắp lấy chồng Việt kiều, không thể để nó ở nhà được. Con gái tôi trẻ đẹp, cuộc đời nó còn dài, tương lai tốt lành đang chờ nó ở phía trước. Tôi làm mẹ nên phải nghĩ cho tương lai của nó, không thể vì đứa nhỏ này mà để con tôi phải khổ...”. Không được Trung tâm tiếp nhận cháu, bà ấy hằn hộc bỏ đi.

Chị Hằng xót xa: Trong xã hội đâu phải ai cũng khá giả, đủ đầy. Nhiều người mẹ, người cha nghèo đã dành tất cả cho con, từ chén cơm, miếng cá đến chiếc áo lành lặn; còn bao nhiêu khổ cực, cay đắng họ “ôm lấy” cho mình. Vậy mà... thật xót xa cho những đứa trẻ vừa ra đời đã mất đi tình mẹ.

Bà Lê Trần Thu Thủy, Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện nay khoa học - kỹ thuật tiến bộ hoàn toàn có thể trợ giúp người phụ nữ chủ động trong việc sinh hay không sinh con với hàng loạt biện pháp tránh thai hiệu quả, thuận tiện.

Người phụ nữ chưa muốn sinh con có thể tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình một cách dễ dàng. Chỉ cần đến trạm y tế, bệnh viện hay phòng khám sản khoa tư nhân đều có cung cấp dịch vụ tránh thai; thậm chí dược sĩ của các hiệu thuốc Tây cũng giới thiệu được phương pháp bảo vệ phụ nữ khỏi mang thai ngoài ý muốn. Phụ nữ chưa muốn sinh con thì hãy áp dụng biện pháp tránh thai. Đừng để sinh con ngoài ý muốn rồi làm cái điều tội lỗi là vứt bỏ bé.

THỦY HÀ

Bài 3: Mái ấm cho trẻ lạc loài

.
.
.