Bà mẹ VNAH Dương Thị Tư: "Chúng con yêu mẹ hơn…"
Anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết: “Thanh Bình là Xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được phong tặng năm 1976. Xã có 51 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), sắp tới sẽ tiếp tục được truy tặng thêm 18 mẹ, hiện có 8 mẹ vẫn còn mạnh khỏe.
Gia đình Bà mẹ VNAH Dương Thị Tư có 4 liệt sĩ là 2 em chồng và 2 con trai. Với mẹ Tư, lúc trẻ từng làm giao liên cho cách mạng, sau ngày 30-4-1975 mẹ tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Sắp tới, má chồng của mẹ Tư là cụ Võ Thị Hạnh sẽ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH…”.
Chăm sóc hoa kiểng là một trong những niềm vui của Bà mẹ VNAH Dương Thị Tư lúc tuổi già. |
Chưa tròn 20 tuổi, Bà mẹ VNAH Dương Thị Tư đã bước vào cuộc đời làm dâu, làm vợ. Tuổi xuân của mẹ với những chuỗi ngày “bán mình” cho nắng mưa, bom đạn… để cùng chồng cày cấy phụ nuôi em chồng và các con.
Mẹ chồng mất sớm, mẹ Tư trở thành người chị lớn trong gia đình. Người em chồng thứ 6 (Liệt sĩ Nguyễn Văn Chánh), rồi đến người em thứ 9 (Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạnh) lần lượt thoát ly gia đình, mẹ Tư trở thành điểm tựa của 2 người em dâu.
Nối bước 2 chú, 2 con trai của mẹ Tư (Liệt sĩ Nguyễn Văn Phẩm và Nguyễn Văn Hà) đã lần lượt vác ba lô lên đường. Làng quê đêm ngày vẫn oằn oại với mưa bom, bão đạn; sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, cho nên được phép đi thăm con là giá nào mẹ cũng sắp xếp đi, bất kể chân bật máu vì cỏ tranh, mắt hoa lên vì khát, thấy máy bay quần đảo phải trốn, phải núp hầm…
Gặp được con, chưa vơi nỗi nhớ lại quay về, để rồi đêm đêm nước mắt ướt khăn vì nhớ chiếc áo con mặc rách chưa kịp vá, đồ chưa kịp khô con lại phải ra trận, bữa ăn bằng lương khô là thường nhật… Rồi anh Phẩm hy sinh, lòng mẹ quặn thắt dù đã nhủ lòng chấp nhận cho con ra chiến trường là đã hiến con mình cho Tổ quốc.
Nước mắt chưa khô thì hay tin anh Hà tiếp tục hy sinh. Làng quê vẫn chưa im tiếng súng, giấc ngủ mọi người vẫn chập chờn với tiếng bom đạn gầm rú, tiếng khóc nhiều hơn nụ cười…
Mẹ Tư lau nước mắt nhìn xa xăm: “Hồi đó mẹ làm giao liên, bị địch bắt vào tù, tra tấn dã man. Không khai thác được gì, chúng thả ra ít lâu là mẹ lại tiếp tục công việc của cách mạng giao cho. Đêm đêm nhớ con, mẹ nguyện cầu cho miền Nam mau được giải phóng để bà con được sống bình yên. Ngày hòa bình mẹ mừng lắm, nhưng buồn vì các con không về nữa!”.
Sau chiến tranh, mẹ lại tiếp tục làm công tác xã hội. Trên chín mươi tuổi nhưng mẹ Tư vẫn còn rắn rỏi, khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, giúp con chặt củi, làm cỏ, cho bò ăn và chơi đùa với các cháu.
Mắt mẹ vẫn còn tinh tường, chiều chiều nhìn hoàng hôn trải dài trên rặng dừa xa, mẹ chạnh lòng nhớ con quay quắt và tai mẹ vẫn còn nghe rõ những câu ca: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Mẹ đang cô đơn, chúng con yêu mẹ hơn, mỗi chiều nghiêng nghiêng nắng, ghi khắc trong lòng hình bóng mẹ ngồi trông…” (Người mẹ của tôi - sáng tác Xuân Hồng).
Chúng con xin chia sớt niềm đau về sự mất mát người thân của mẹ Dương Thị Tư và xin mượn lời bài hát trên để đặt tít bài viết này.
NGỌC LỆ