Thứ Ba, 23/12/2014, 08:49 (GMT+7)
.

CB-CC-VC cấp cơ sở: Vừa thiếu vừa thừa

Bài 1: Công việc của cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở quá tải

Bài 2: Những bất cập về tiền lương&chế độ phụ cấp đối với cán bộ cơ sở

Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 16/2013/QĐ-UBND quy định về quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh, đã được “siết chặt” hơn. Tuy nhiên, do trước đó không thu hút được người có trình độ về cơ sở công tác, buộc các địa phương tuyển những người chưa đủ tiêu chuẩn, vì vậy số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã (phường, thị trấn) có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên vẫn còn thấp, phải đào tạo trong thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. 

dd
Nhiều cử tri phản ánh những khó khăn, bất cập của CB-CC-VC cấp xã (cử tri xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông).

Theo nhiều CB-CC-VC cơ sở, trước đây vì đồng lương không đủ sống nên người giỏi, tốt nghiệp đại học ít chịu về công tác ở xã (phường, thị trấn). Để giải quyết “bài toán” này, nhiều nơi phải tuyển người có trình độ thấp rồi đưa đi đào tạo. Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, chỉ tính từ năm 2011 đến nay có 1.156 lượt CB-CC-VC cấp xã (phường, thị trấn) được cử đi đào tạo.

Cũng theo Sở Nội vụ, tính đến nay, tổng số CB-CC-VC cấp xã trong toàn tỉnh là 3.625 người, trong đó có 2.691 người đạt chuẩn chuyên môn, tỷ lệ đạt 74,23% và có 934 người chưa đạt chuẩn chuyên môn, chiếm tỷ lệ 25,77%.

Những năm qua, nhiều CB-CC-VC chưa đạt chuẩn buộc phải đưa đi đào tạo trong khi người ít mà công việc thường khi quá tải, dẫn đến tình trạng người đang làm việc phải “gánh việc” cho người đi học sẽ khó đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Mặt khác, không ít trường hợp CB-CC-VC chưa được cử đi học, năng lực yếu, còn phải “gánh việc” cho đồng nghiệp được cử đi học thì tất yếu tiến độ thực hiện công việc chậm trễ, không đảm bảo chất lượng. Có nơi, do thiếu người, đã điều động công tác không đúng với lĩnh vực đã đào tạo khiến CB-CC-VC gặp khó trong công tác….

Ông Huỳnh Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo cho biết: Những năm qua, UBND xã đã đưa 20/23 CB-CC-VC đi đào tạo, đạt 86,95% có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học để đáp ứng nhu cầu công việc.

Tuy nhiên, việc cử CB-CC-VC đi học để đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn, bởi công việc ở cơ quan thì nhiều, trong khi đó thường khi cán bộ 1 tháng phải đi học 2 tuần nên công việc ở cơ quan ắt bị đình trệ, nhất là ở bộ phận “Một cửa”. Nếu động viên người học tranh thủ giải quyết công việc cơ quan ngoài giờ để đảm bảo tiến độ công việc, nhưng xã không có chế độ đãi ngộ thì “thiệt thòi” cho họ.

Ở UBND xã Long Hưng, huyện Châu Thành, đến nay có 21 lượt CB-CC-VC được đưa đi bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và hiện có 5 đang học đại học. Nhìn chung, đội ngũ CB-CC-VC cơ bản đạt chuẩn. Khi cán bộ đi học, lãnh đạo xã phân công nhiệm vụ người làm thay, bảo đảm theo quy chế làm việc. Tất nhiên do công việc của đa số người làm thay đã nhiều, nay lại càng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phân tích: Trong thời gian qua, công tác đào tạo cán bộ cấp xã và thu hút người có trình độ đại học về cấp xã công tác còn gặp khó khăn. Số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên vẫn còn thấp, vì vậy phải đào tạo trong thời gian dài; một số cán bộ công tác nhiều năm, có kinh nghiệm chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng không thể đưa đi đào tạo vì tuổi vượt quy định; nguồn kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp xã; tiền lương, phụ cấp, điều kiện làm việc, học tập, cơ hội thăng tiến ở cấp xã còn thấp và khó khăn nên chưa thu hút được lớp trẻ có trình độ đại học về xã công tác. Thời gian gần đây tình trạng này đã dần được khắc phục.

HOÀI THU

(Còn tiếp)

.
.
.