Thứ Sáu, 05/12/2014, 14:01 (GMT+7)
.

Chăm lo ngày càng tốt hơn cho các đối tượng xã hội

Theo xu hướng chung của cả nước, cùng với mặt tích cực của quá trình đổi mới là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm dân cư, giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, yêu cầu của xã hội về hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội cũng tăng cao.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Tiền Giang khám và điều trị bệnh lý về mắt cho trại viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Tiền Giang khám và điều trị bệnh lý về mắt cho trại viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Xuất phát từ thực tế đó, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo rà soát đối tượng bảo trợ xã hội trên toàn tỉnh để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội. Kết quả rà soát cho thấy toàn tỉnh có khoảng 60.000 đối tượng yếu thế thuộc diện bảo trợ xã hội.

Tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách chăm sóc cho người yếu thế trong xã hội như: Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm lý dựa vào cộng đồng; thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; trợ giúp người khuyết tật…

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tiếp nhận mới 31 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nuôi dưỡng. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng tổng số 292 đối tượng, trong đó có 24 người cao tuổi, 249 người khuyết tật và 13 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 6 đối tượng đặc biệt khác.

Song song với việc nuôi dưỡng tập trung tại trung tâm, tỉnh còn thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và mua bảo hiểm y tế cho 68.100 đối tượng Bảo trợ xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí trong 9 tháng qua gần 63 tỷ đồng.

Cụ thể trong đó có 474 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; 585 người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo; 34.815 người trên 80 tuổi; 25 người nhiễm HIV không còn khả năng lao động thuộc diện hộ nghèo; 398 gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và 31.829 người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc diện hộ nghèo.

Riêng đối với người khuyết tật, tỉnh đã xác định lại dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp giấy khuyết tật cho 21.763 khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Toàn bộ các đối tượng này đều được trợ cấp bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trong 9 tháng qua chi cho đối tượng này là 62,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán 2014, tỉnh đã kịp thời cấp phát 13 tấn gạo cho hộ khó khăn đón Tết và chi trợ cấp quà tết 13 tỷ đồng cho hộ nghèo.

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Nhìn chung, thời gian qua tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho đối tượng yếu thế trong xã hội. Có thể nói, sau nhiều năm đổi mới, hệ thống an sinh xã hội không ngừng phát triển nên về cơ bản đã phát huy khả năng bảo vệ, khắc phục rủi ro cho người lao động, người dân trong cơ chế thị trường và các rủi ro khác. Hệ thống an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội vẫn còn không ít những tồn tại, thách thức đặt ra. Đó là mức độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội còn hạn chế; chất lượng cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu của người hưởng thụ; nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội chưa nhiều, chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, tỷ lệ chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng còn thấp…

Tỉnh đang kiến nghị cơ quan chức năng Trung ương sớm triển khai thực hiện quy định mới của Chính phủ theo Nghị định 136/2013/ND-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

MAI HÀ

.
.
.