Thứ Tư, 17/12/2014, 14:30 (GMT+7)
.

Công việc của cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở quá tải

Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 có nêu rõ: Trọng tâm của CCHC là cải cách chế độ công vụ, công chức và nâng cao chất lượng dịch vụ do cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cung cấp. Cụ thể hóa chương trình này, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).

Song, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) cấp cơ sở, nhất là cán bộ xã, ấp tiền lương hoặc phụ cấp ít, lại kiêm nhiệm nhiều việc… khiến đời sống nhiều CB-CC-VC rất chật vật. Đây là những bất cập đang tồn tại và được nhiều cử tri phản ánh.

Cán bộ, công chức, viên chức cơ sở thường xuyên quá tải công việc, phải làm thêm ngoài giờ mới đảm bảo  yêu cầu cấp trên (Ảnh: UBND xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo).
Cán bộ, công chức, viên chức cơ sở thường xuyên quá tải công việc, phải làm thêm ngoài giờ mới đảm bảo yêu cầu cấp trên (Ảnh: UBND xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo).

Thời gian qua, tình trạng CB-CC-VC cấp cơ sở quá tải công việc và những bất cập về tiền lương, phụ cấp… đã khiến không ít CB-CC-VC trăn trở vì quá khó khăn với cuộc mưu sinh. Đây là vấn đề khá nhức nhối hiện nay mà nhiều cử tri đã phản ánh. Cần có giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng công việc quá tải của nhiều CB-CC-VC cấp cơ sở.

NGƯỜI ÍT VIỆC NHIỀU

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, số lượng biên chế được giao có hạn mà đầu việc quá nhiều, khiến CB-CC-VC ở nhiều nơi phải làm việc quá sức.

Về vấn đề này, anh Lê Quốc Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường 4, TP. Mỹ Tho cho biết: “Hiện UBND phường 4 có 42 CB-CC gồm: 14 công chức, 10 cán bộ chuyên trách và 18 cán bộ không chuyên trách, mỗi ngày đều phải làm việc với cường độ cao mới đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ.

Nhìn chung, công việc từ cán bộ lãnh đạo đến CC-VC thường xuyên quá tải, bởi dân số ngày càng tăng, nhưng biên chế CB-CC-VC thường không tăng hoặc tăng rất ít, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa ngày càng cao nên nhiều CB-CC-VC phải làm nhiều việc.

Lĩnh vực tư pháp - hộ tịch và địa chính được xem là những lĩnh vực luôn quá tải công việc. Bên cạnh việc giải quyết hồ sơ chứng thực và giải quyết các loại giấy tờ liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, cán bộ tư pháp còn kiêm nhiệm luôn cả việc tiếp công dân, giải quyết đơn (thư) khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ông Trần Ngọc Hưng, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường 4 than thở: “Không chỉ có vậy, cán bộ tư pháp của phường thường phải “gánh” thêm những việc ở cơ sở như tham gia hòa giải, giải phóng mặt bằng (GPMB)…

Ông Huỳnh Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo cho biết: “Để đảm bảo giải quyết công việc hành chính được kịp thời, phục vụ cho tổ chức và cá nhân, thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh, xã tổ chức làm việc ngoài giờ vào buổi sáng thứ bảy hàng tuần, song một số cán bộ, nhân viên phải đem việc về nhà để giải quyết mới kịp tiến độ yêu cầu công việc…”.

ÁP LỰC TỪ NHIỀU PHÍA

Ông Nguyễn Văn Rở, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước cho biết: “Từ đầu năm đến nay, xã giải quyết 1.057 hồ sơ các loại, trung bình mỗi tháng giải quyết 95 hồ sơ các loại, trong đó lĩnh vực đất đai là công việc thường xuyên quá tải, vì ngoài giải quyết các hồ sơ chuyển quyền, chuyển mục đích, thừa kế, cấp đổi, cấp mới… còn giải quyết các vụ tranh chấp đất trong nhân dân; nhất là gần đây việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng lộ Tràm Mù công việc nhiều và áp lực rất lớn đối với anh em cán bộ”.

Theo UBND xã Long Bình Điền, trung bình mỗi tháng xã giải quyết khoảng 700 hồ sơ các loại, trong đó lĩnh vực giải quyết hành chính thông thường và chứng thực được giải quyết thường xuyên.

Theo ông Cao Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Long Hưng, huyện Châu Thành, trung bình mỗi tháng xã giải quyết 1.097 hồ sơ, trong đó lĩnh vực chứng thực bản sao là thường xuyên quá tải (mỗi ngày trên 40 hồ sơ).

Có thể nói, các lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, địa chính, công an, lao động - thương binh và xã hội… luôn quá tải công việc. Thực trạng công việc nhiều, cán bộ ít đang tồn tại ở khá nhiều nơi, đặc biệt là những nơi có số lượng dân cư đông hay địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa. Trong khi số lượng biên chế được giao có hạn mà đầu việc quá nhiều, khiến CB-CC-VC ở nhiều nơi phải làm việc quá sức, thậm chí làm không xuể nên đôi khi không thể không bức xúc... 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số bộ phận của cấp xã, phường, thị trấn như: Địa chính, lao động - thương binh và xã hội… đã nhiều lần đề xuất bổ sung nhân sự nhưng đến giờ vẫn đang chờ; trong khi đó, mỗi năm dân số luôn tăng, cộng thêm sự phát triển đa ngành nghề... khiến cơ quan chức năng làm không xuể.

Chính vì khối lượng công việc lớn và kiêm thêm nhiều việc nên CB-CC-VC ở cơ sở chịu nhiều áp lực, đôi khi phải nhẫn nhịn, kềm chế vì bị dân phàn nàn. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhẫn nhịn, kềm chế, vì vậy có người đã nổi nóng, nạt nộ người dân…

Bà Nguyễn Thị Tám ngụ xã Phú Cường, huyện Cai Lậy bức xúc cho biết: “Tôi xin điều chỉnh giấy tờ đất đai, nhưng đi cả chục lần mà chưa làm xong do cán bộ xã cứ nói cán bộ phụ trách cấp giấy đi học nên hẹn lần hẹn lựa. Người dân chúng tôi không biết rành pháp luật mới đến hỏi cán bộ, nhưng thái độ của cán bộ đối với dân rất khó chịu, còn nạt nộ bà con nữa…”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết: Do trình độ chuyên môn của một số CB-CC-VC còn hạn chế, một người chưa thể làm được nhiều việc khác nhau, trong khi có quá nhiều việc từ cấp trên yêu cầu cấp cơ sở phải làm, phải báo cáo; vả lại chưa có hoặc thù lao chưa tương xứng, nhất là cán bộ xã, ấp… nên chất lượng giải quyết công việc của một bộ phận CB-CC-VC ở cơ sở đạt chưa như kỳ vọng.

HOÀI THU
 (Còn tiếp)

.
.
.