Thứ Năm, 18/12/2014, 10:33 (GMT+7)
.

Dân số Việt Nam đã vượt ngưỡng 90 triệu người

Ngày 17-12, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014. Theo đó, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2014, dân số Việt Nam đã trên 9o triệu người, trong đó nữ chiếm 50,7%, nam chiếm 49,3%.

Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4,6 triệu người, bình quân mỗi năm tăng hơn 900.000 người, tỷ lệ sinh của Việt Nam tiếp tục giảm và ổn định dưới mức sinh. Mật độ dân số của Việt Nam là 273 người/km2, đứng thứ 3 trong Đông Nam Á, sau Singapore và Philipines và đứng thứ 16 châu Á.

Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4,6 triệu người.  Ảnh có tính minh họa: haiphong.gov.vn
Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4,6 triệu người. Ảnh có tính minh họa: haiphong.gov.vn

Tổng cục Thống kê cũng công bố dân số ba tỉnh, thành có số dân trên 3 triệu người. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh có dân số đông nhất nước, đạt 7,955 triệu người. Hà Nội đứng thứ hai với 7,067 triệu, Thanh Hóa đứng thứ ba với 3,491 triệu.

Theo cơ quan thống kê, tính đến 1-4-2014, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,2, trong đó tuổi thọ trung bình nam giới là 70,6, tỉ lệ này với nữ là 75,6. Với tỷ lệ dân số phụ thuộc là 44%, người trên 65 tuổi là 7,1%, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng.

Đặc biệt, sự mất cân đối nam nữ ở Việt Nam đã tăng khá nhanh. Đến nay, tỷ suất giới tính đã là 112,2 bé trai trên 100 bé gái (cao hơn mức năm 2009 là 110,5 bé trai trên 100 bé gái).

Kết quả điều tra giữa kỳ năm 2014 cũng cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn đáng kể so với ở thành thị với tỷ lệ lần lượt là 113,1/100 và 110,1/100. Điều này cho thấy mong muốn cũng như áp lực buộc phải sinh con trai cùng khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại của phụ nữ nông thôn những năm gần đây tăng lên, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng trở nên nghiêm trọng với những cảnh báo về tình trạng dư thừa nam giới trong tương lai.

Bên cạnh đó, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số và chỉ số già hóa là 44,6%, điều này khẳng định Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Về nhà ở, kết quả thống kê cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước là 20,6 m2, tăng 3,9 m2/người so với năm 2009, trong đó thành thị là 23 m2, nông thôn 19,5 m2. Đồng bằng sông Hồng có diện tích ở bình quân cao nhất với 22,4 m2 và thấp nhất là Tây Nguyên 18,3 m2.

Điều kiện sinh hoạt của người dân đang được cải thiện với 46,6% hộ sinh sống trong nhà kiên cố, 43% sống trong nhà bán kiên cố, 3,7% hộ có nhà đơn sơ… Số liệu này cho thấy tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố tăng lên 6,1% và nhóm nhà ở đơn sơ giảm 4% so với năm 2009.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.