Thứ Sáu, 26/12/2014, 13:41 (GMT+7)
.

Hội LHPN với mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch và tiêu dùng sạch"

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức Hội thảo về mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch” gắn với phụ nữ làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi. Tại hội thảo, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã được các cấp Hội Phụ nữ, hội viên (HV), phụ nữ (PN) giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng đến sản xuất và tiêu dùng sạch hơn.

Nhiều mô hình hướng đến sản xuất và tiêu dùng sạch

Hội LHPN TP. Mỹ Tho đã mang đến hội thảo những kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình mua bán, giết mổ động vật sạch và tiêu thụ thực phẩm sạch gắn với phương pháp tuyền thông nâng cao nhận thức cho HV, PN trong sản xuất và tiêu dùng sạch.

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 2.970 hộ đăng ký chăn nuôi tại hộ gia đình với hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm. TP. Mỹ Tho có 8 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp và còn có các điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa quản lý được. Các cơ sở giết mổ cung ứng bình quân khoảng 9 tấn thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày cho thành phố.

Hội viên, phụ nữ ngày càng hướng đến sản xuất và tiêu dùng sạch trong chăn nuôi, trồng trọt.
Hội viên, phụ nữ ngày càng hướng đến sản xuất và tiêu dùng sạch trong chăn nuôi, trồng trọt.

Hội LHPN TP. Mỹ Tho đã xác định việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm trong việc hướng đến sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

Chính sự vào cuộc quyết liệt của các cấp Hội LHPN TP. Mỹ Tho, việc triển khai thực hiện mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trong việc cung ứng nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, nhằm góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cái Bè cho biết, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hướng đến sản xuất và tiêu dùng sạch như: Mô hình phụ nữ sản xuất trái cây sạch, xây dựng mô hình phụ nữ trồng rau sạch, tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”...

Nổi bật có mô hình phụ nữ sản xuất trái cây sạch thu hút 1.049 hộ phụ nữ đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình này đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của các loại trái cây của huyện Cái Bè trong tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu.

Còn Hội LHPN TX. Gò Công đang triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn, tiêu thụ sản phẩm gắn với phối hợp các ngành nâng cao nhận thức cho HV, PN trong thực hiện mô hình. Với cách làm là Hội LHPN TX. Gò Công phối hợp Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thị xã tuyên truyền, vận động các hộ phụ nữ có diện tích trồng màu tham gia các tổ, HTX trồng rau an toàn.

Khi tham gia vào các tổ, HTX trồng rau an toàn các HV, PN sẽ được hướng dẫn kỹ thuật về trồng rau theo chương trình an toàn. Mô hình này của Hội LHPN TX. Gò Công hiện đã thu hút 189 HV, PN tham gia vào các tổ, HTX sản xuất rau sạch.

Những chia sẻ kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Phượng (ở ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) trong việc sản xuất cá khô kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã gây được sự chú ý của nhiều đại biểu tham dự hội thảo.

Bà Phượng cho rằng, trong quá trình sản xuất cá khô đã tạo ra nhiều phế phẩm, phục vụ rất tốt trong việc chăn nuôi heo. Bà Phượng đã tận dụng nguồn phế phẩm này để nấu và kết hợp với việc sử dụng thức ăn cho heo ăn từ các nguồn nguyên liệu như: Cám, bắp, đậu nành và một số vitamin cho heo ăn mỗi ngày.

Thời gian nuôi heo từ lúc heo nái đẻ đến lúc xuất chuồng khoảng 7,5 tháng/1 con heo nặng từ 100 - 115 kg. Bà Phượng cũng mạnh dạn đầu tư hầm biogas; 90% chuồng trại có đệm lót sinh học. Bà Phượng đúc kết lại hiệu quả của mô hình đang thực hiện là không tốn nhiều nước tắm, dội rửa chuồng, giảm công lao động, nước thải ra môi trường không mùi hôi, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường; không tốn điện và heo ít bệnh, mau lớn.

Sản xuất và tiêu dùng sạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Theo Hội LHPN tỉnh, toàn tỉnh đang duy trì 398 mô hình phụ nữ làm kinh tế, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; 246 mô hình phụ nữ làm kinh tế trong lĩnh vực ngành nghề truyển thống, tiểu thủ công nghiệp.

Các mô hình được các cấp Hội Phụ nữ, HV, PN phát triển theo hướng sản xuất và tiêu dùng sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng bảo vệ môi trường; các mô hình đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất và tiêu dùng sạch ở các cấp Hội Phụ nữ, HV, PN vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do ý thức, thói quen trong tiêu dùng; một số nông hộ là HV, PN vẫn còn hạn chế về kiến thức, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất. Vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi.

Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác, phân tán trong nông hộ dẫn đến buôn bán trái phép, khi có dịch bệnh khó kiểm soát và dễ lây lan ra cộng đồng; vẫn còn tồn tại nhiều lò giết mổ trái phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn về giết mổ...

Với những khó khăn trên, Hội LHPN tỉnh đã đề ra một số giải pháp trong việc hướng đến sản xuất và tiêu dùng sạch. Cụ thể, căn cứ tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương mà có những mô hình phát triển kinh tế nông hộ phù hợp đối với phụ nữ nông thôn, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phối hợp với các ngành hỗ trợ nông hộ là HV, PN trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng mức hỗ trợ vốn vay giúp HV, PN mạnh dạn đầu tư sản xuất; tăng cường hướng dẫn những kiến thức mới trong chăn nuôi, trồng trọt.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động HV, PN phát triển các mô hình kinh tế sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch. Thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp trong phát triển mô hình cho PN nông thôn; đồng thời tranh thủ các nguồn lực nhằm thực hiện các mô hình có hiệu quả trong thời gian tới...

PHƯƠNG NGHI

.
.
.