Làng nghề dệt chiếu Long Định: Góp phần xóa đói giảm nghèo
Làng nghề dệt chiếu Long Định, xã Long Định, huyện Châu Thành, nổi tiếng nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Vì thế, làng nghề hoạt động thường xuyên đã tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ trong vùng có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt chiếu, cô Nguyễn Thị Danh, ấp Mới, xã Long Định chia sẻ: “Công việc tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự chịu khó, kiên trì, rất phù hợp với chị em phụ nữ. Cô dệt chiếu khi còn con gái. Nghề dệt chiếu cho thu nhập không cao, nhưng đã giúp gia đình cô vượt qua những khó khăn, vất vả, có cuộc sống ổn định”.
Được biết, trước đây gia đình cô Danh gặp rất nhiều khó khăn. Cô có 3 người con, chẳng may có một đứa con trai kém phát triển trí tuệ. Hàng ngày, cô đi dệt chiếu thuê, rồi nhận hàng về nhà dệt thêm vào buổi tối.
Nhiều chị em đã vượt khó, có cuộc sống ổn định bằng nghề dệt chiếu truyền thống. |
ột ngày dệt được 12 chiếc chiếu, với tiền công 120 ngàn đồng, chị Lê Thị Ngọc Sương, ấp Hòa, xã Nhị Bình phấn khởi: “Chị làm nghề dệt chiếu được 5 năm, trước đây vợ chồng chị làm ruộng, lúc nhàn rỗi ai thuê gì làm nấy. Công việc bấp bênh, khi 3 đứa con ngày càng lớn, không lo xuể cho các con đi học. Được mọi người giới thiệu, chị đi học nghề dệt chiếu, rồi đến các cơ sở dệt chiếu tại làng nghề xin vào làm cho đến nay. Có việc làm quanh năm, có thu nhập ổn định, chị đã lo được cho các con đi học”.
Từ một người dệt chiếu thuê, cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết, khu phố Lương Minh Chánh, xã Long Định, nay đã là chủ cơ sở dệt chiếu trong làng nghề. Được biết, cô Bạch Tuyết gắn bó với nghề dệt chiếu từ năm 8 tuổi.
Cô Tuyết cho biết: “Hồi còn nhỏ thấy bà và mẹ dệt chiếu nên cô học theo, rồi tập làm. Cô thành lập cơ sở dệt chiếu tại nhà gần 20 năm. Cơ sở của cô có 10 chị em làm thường xuyên. Tùy theo tay nghề mà cô trả công từ 10 - 12 ngàn đồng/chiếc chiếu. Bình quân 1 ngày 1 người có thể dệt từ 12 - 15 chiếc chiếu, thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày”.
Người làm nghề dệt chiếu thuê không phải bỏ vốn mua trang thiết bị hay nguyên vật liệu, chỉ cần chịu khó, chăm chỉ lao động thì sẽ có được công việc ổn định. Chị Trần Thị Ngọc Lệ, ấp Tây, xã Nhị Bình gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 10 năm cho biết:
“Trước đây khi chưa có máy, người thợ phải dệt bằng tay, một ngày chỉ dệt được 2 - 3 chiếc chiếu, rất vất vả và thu nhập không ổn định. Có thời gian chị nghỉ, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Vài năm trở lại đây, khi có máy dệt chiếu, chị xin làm lại. 1 người dệt từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều và nếu máy dệt không gặp trục trặc, có thể dệt được từ 15 - 16 chiếc chiếu”.
Năm 2004, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Làng nghề dệt chiếu Long Định, thì làng nghề được phát triển trên 5 ấp: ấp Mới, khu phố Lương Minh Chánh, Kinh 2A, Tây I, Long Hòa B với 390 hộ và 1.190 lao động chuyên dệt chiếu.
Ngoài ra, còn có hơn 1.000 lao động làm gia công ở các ấp lân cận trong và ngoài xã giáp ranh, như ấp Hòa, xã Nhị Bình (huyện Châu Thành), ấp Kinh 2A, xã Phước Lập (huyện Tân Phước). Thu nhập bình quân của lao động làng nghề vào thời điểm năm 2014 là 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo UBND xã Long Định, hiện tại làng nghề còn 98 hộ sản xuất. Trong đó, số chuyên dệt chiếu thủ công có 29 hộ với 32 giàn dệt; số hộ có máy dệt là 22 hộ, với 66 máy; 9 hộ đánh đay; 2 hộ in chiếu; 36 hộ làm gia công.
Có 238 lao động chuyên nghiệp làm chiếu và có trên 1.000 lao động chỉ làm theo thời vụ. Trong năm 2014, các tổ chức Hội, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân xã đã giải ngân cho 1.000 hộ vay, với số vốn trên 3 tỷ đồng. Mở 20 khóa đào đạo tay nghề, có 1.007 học viên tham dự.
Chú Vũ Văn Tiến là 1 trong 2 chủ cơ sở nhuộm, hấp, in chiếu tại làng nghề chia sẻ: “Nghề dệt chiếu tuy vất vả và gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chú quyết bám với nghề, vì đây là nghề gia truyền. Chính nghề này đã cho gia đình chú có cuộc sống ổn định bao đời, tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn có thêm thu nhập”.
P. MAI