Thứ Hai, 29/12/2014, 20:16 (GMT+7)
.

Xã Bình Nghị: Niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới

Vào những ngày này, cán bộ và nhân dân xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) lòng vui như mở hội khi vừa được Đoàn thẩm định xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đến thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014. Qua hành trình 4 năm xây dựng NTM ở một xã thuộc vùng Ngọt hóa Gò Công đã đạt được kết quả hơn cả mong đợi khi cán đích trước hạn định.

Giao thông đi trước

Về Bình Nghị, đi trên con đường đan cặp kinh Trần Văn Dõng rộng tênh (mặt đường rộng 3,5 m, tính cả nền đường là 4 m), tôi không ngờ rằng cách đây 2 năm, đây chỉ là con đường đan nhỏ hẹp và trước đó nữa là đường đất sinh lầy. Vậy mà giờ đây, con đường rộng rãi đã được xây dựng từ chương trình xây dựng NTM sạch đẹp đến thế. Người dân ở đây trong lòng phấn khởi và nghĩ rằng sự tham gia của mình (qua hiến đất, vật kiến trúc, đóng góp tiền của) là vô cùng ý nghĩa.

Ông Đỗ Văn Xê, ấp Thạnh Hòa, người dân sống cặp tuyến đường cho biết, trước đây chiều ngang tuyến đường chỉ 0,7 m nên việc đi lại khá khó khăn, nhất là vận chuyển hàng hóa. Giờ đây, đường được mở rộng, việc vận chuyển rau, màu không còn khó khăn nữa.

“Hiểu được lợi ích này nên khi chính quyền xã tuyên truyền, vận động góp sức làm đường là tôi ủng hộ ngay. Bởi tôi nghĩ việc mở rộng đường mang lại lợi ích rất lớn cho xóm, ấp so với thiệt thòi nhỏ bé của gia đình thì có đáng gì đâu” - ông Xê bày tỏ.

Ông Lê Hoàng Minh (Tổ hợp tác Rau an toàn Thạnh Hòa) chăm sóc khổ qua.
Ông Lê Hoàng Minh (Tổ hợp tác Rau an toàn Thạnh Hòa) chăm sóc khổ qua.

Hộ ông Xê đã hiến 400 m2 đất để mở rộng tuyến đường này. Trong thời buổi đất sản xuất có giá trị cao, tinh thần “mình vì mọi người” như thế rất đáng quý. Không chỉ riêng ông Xê, các hộ khác ở khu vực này đều tham gia hưởng ứng hiến đất, vật kiến trúc, góp tiền cùng với Nhà nước xây dựng nên tuyến đường thông thoáng bên dòng kinh Trần Văn Dõng.

Đây là một trong hàng chục tuyến đường được xây dựng mới và hoàn thành theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm trong 4 năm qua ở Bình Nghị, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Trên 35.000 m2 đất hiến và trên 4,2 tỷ đồng đóng góp từ người dân trong những năm qua đã cho thấy sự đồng thuận của người dân. Dĩ nhiên, có được kết quả ấy là cả một quá trình phấn đấu, tranh thủ nguồn vốn từ các ngành, các cấp; vận động và được người dân hưởng ứng với “tâm thế”: Giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, tiền đề thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác.

Tăng cường liên kết, đưa mô hình xuống dân

Ông Mai Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết, mục đích của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Công việc này càng khó khăn hơn khi Bình Nghị nằm trong vùng cuối nguồn ngọt hóa, cơ cấu sản xuất chủ yếu là cây lúa, rau màu và chăn nuôi nên khó có thể nâng thu nhập trong một sớm một chiều.

Xuất phát từ mục đích trên, khi triển khai xây dựng NTM, bên cạnh quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xã tập trung vào tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, nâng hiệu quả sản xuất, hạ giá thành, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Cụ thể, trên cơ sở Tổ hợp tác (THT) Rau an toàn Thạnh Hòa với 80 tổ viên đã được hình thành, xã tăng cường củng cố, nâng chất. Kết quả đạt được rất đáng phấn khởi khi hiện nay tổ đã tìm được đối tác tiêu thụ ở TX. Gò Công, bảo  đảm đầu ra cho sản phẩm rau của tổ với giá ổn định (hợp đồng thu mua với giá ổn định trong 1 năm), nên tổ viên rất phấn khởi.

Nằm trong nỗ lực vực dậy cây ăn trái đặc sản của xứ Gò là sơ ri, năm 2014 xã thành lập THT hoạt động trong lĩnh vực sơ ri với 19 ha trồng giống sơ ri Gò Công. Hiện nay, THT đã tìm được đầu mối tiêu thụ sơ ri (một đối tác ở trong huyện) với giá ổn định (hiện tại thu mua sơ ri của dân giá 4.300 đồng/kg). Từ đó, tổ viên yên tâm trồng cây đặc sản này.

Ngoài ra, thông qua dự án nâng cao thu nhập cho người trồng sơ ri Gò Công (nguồn vốn 100 triệu đồng), xã đã triển khai hỗ trợ cây giống, thuốc bảo vệ thực vật cho 34 hộ trồng sơ ri Gò Công để phát triển cây trồng này.

Ông Mai Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghị cho biết, đến nay xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Các sở, ngành cũng đã thẩm định xong. Ngày 23-12, Đoàn thẩm định xây dựng NTM tỉnh đã đến thẩm định và thống nhất công nhận Bình Nghị đạt chuẩn xã NTM năm 2014.

Trên cây lúa, từ năm 2012, ngành Nông nghiệp triển khai trên địa bàn xã mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái với 20 ha ở ấp Hòa Bình. Sau đó, mô hình đã được nhân rộng gắn với sự hỗ trợ kỹ thuật của Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện.

Tiến thêm một bước nữa, việc tổ chức sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác trên cơ sở các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng được xúc tiến. Theo đó, 2 THT sản xuất nông nghiệp đã được thành lập. Đây là bước khởi đầu trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với đầu ra ổn định, hình thành nên chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân.

Cũng năm 2012, Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án Chăn nuôi dê sinh sản cải thiện vệ sinh môi trường. Từ dự án, 40 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã đã được hỗ trợ vốn mua dê. Mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả. Từ 2 con dê ban đầu, nhiều hộ nghèo, khó khăn giờ không những có tiền trả vốn cho dự án mà còn có đàn dê lên 6 - 7 con, thậm chí có hộ phát triển đàn lên cả chục con. Hiện nay, dự án đang tiến hành thu hồi vốn và triển khai đợt mới cho các hộ khác.

“Những nỗ lực của các cấp, các ngành và xã trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo hướng tăng tính hiệu quả, bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình, hỗ trợ vốn cho người dân đã góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi nâng các tiêu chí khác. Kết quả thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2014 đạt 29,59 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo từ 9,9% vào năm 2011, năm 2014 đã giảm xuống còn 4,49%”- ông Thuận cho biết.

N.VĂN

.
.
.