Xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu
Trong những năm qua, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo mang lại hiệu quả cao. Chính sự nỗ lực đó đã góp phần to lớn trong việc nâng cao mức sống, vượt qua khó khăn của hộ nghèo.
MÔ HÌNH HIỆU QUẢ
Thông tin từ Phòng Bảo trợ xã hội - Giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình trợ giúp hộ nghèo thoát nghèo rất hiệu quả. Đây là sự sáng tạo của các địa phương và các tổ chức, đoàn thể.
Nuôi heo đất tiết kiệm - mô hình phụ nữ nông thôn giúp nhau hiệu quả. |
Ở huyện Chợ Gạo, mô hình nuôi bò sinh sản phát huy hiệu quả tại xã Đăng Hưng Phước và xã Bình Phục Nhứt. Từ nguồn kinh phí của Ủy ban MTTQ huyện Chợ Gạo, UBND và Ủy ban MTTQ 2 xã Đăng Hưng Phước và Bình Phục Nhứt đã chọn 20 hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi để hỗ trợ bò giống, hoàn trả trong thời gian 3 năm. Đến nay đã có 6 hộ trong số này thoát nghèo.
Cũng với mô hình nuôi bò, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án “Cải thiện sinh kế cho hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông”. Dự án hỗ trợ bò và vốn vay cho 2.400 hộ nghèo của huyện trong 5 năm (2012 - 2015) với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng. Đã có 300 con bò được chuyển giao đến hộ dân sau khi những hộ này được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò hiệu quả.
Ở huyện đặc biệt khó khăn Tân Phú Đông xuất hiện mô hình trồng mãng cầu Xiêm đem lại sinh kế cho hộ nghèo ở xã Tân Phú. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, 630 hộ dân đã trồng 375 ha mãng cầu Xiêm, hiện có 325 ha đang cho trái ổn định với năng suất bình quân mỗi năm từ 30 - 35 tấn/ha. Với giá bán mãng cầu bình quân từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/kg, đa số hộ nghèo đã có thu nhập ổn định, làm cơ sở thoát nghèo bền vững.
Ông Trần Văn Hoanh (tổ 8, ấp Tân Ninh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông) gia cảnh vốn rất khó khăn. Vợ chồng ông lập nghiệp trên vùng đất cù lao phèn mặn này đã nhiều năm nhưng lúc nào cũng phải đương đầu với khó khăn. Nhà chỉ có 50 sào đất, cất nhà xong chỉ còn 40 sào.
Ngoài làm ruộng nhà, vợ chồng ông phải làm thuê khắp nơi mới tạm đủ ăn. 3 đứa con lần lượt ra đời, nhưng không may 2 trong số đó bị bệnh chậm phát triển. Để nuôi các con, mỗi ngày ngoài chăm sóc ruộng nhà, vợ chồng ông đi cắt lúa thuê, làm mướn khắp nơi, bất kể xa gần nhưng gia cảnh vẫn thiếu trước, hụt sau.
Năm 2009, thấy những người xung quanh chuyển đổi từ ruộng lên vườn và trồng mãng cầu Xiêm, ông mày mò học kinh nghiệm rồi mạnh dạn làm thử. Sau 18 tháng, vườn mãng cầu cho vụ trái đầu tiên. Với giá dao động từ 15 - 25 ngàn đồng/kg, trong năm đó gia đình ông thu được 100 triệu đồng. 2 năm sau, ông đã xây được gian nhà chữ đinh khá lớn, cuộc sống gia đình đã khá hơn xưa rất nhiều.
Ngoài những mô hình tiêu biểu trên, Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh cũng đã nhạy bén xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả, giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định để tiến tới thoát nghèo có căn cơ.
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và chỉ đạo các địa phương củng cố Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch giảm nghèo trên địa bàn để triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp từ chương trình giảm nghèo.
Thực hiện chỉ đạo đó, hàng năm các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo dựa trên điều kiện thực tế và bảo đảm đạt được mục tiêu chung của tỉnh. Tổ chức xác định hộ nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo hàng năm để quản lý đối tượng thụ hưởng chính sách, đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo của địa phương, phân tích rõ nguyên nhân nghèo và đề ra giải pháp thoát nghèo phù hợp. Thường xuyên chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo tới đối tượng thụ hưởng ở cơ sở.
Tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, đối thoại với người nghèo về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh cho mục tiêu giảm nghèo.
Song song đó, công tác chăm lo cho người nghèo còn được vận động xã hội hóa. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tham gia giúp đỡ hộ nghèo về vật chất và tinh thần với hình thức như trợ vốn sản xuất, nhận đỡ đầu hộ nghèo, tặng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học…
Chỉ tính đến tháng 9 vừa qua, Quỹ Vì người nghèo đã vận động trên 12 tỷ đồng, số tiền này đã giúp xây dựng cho 242 mái ấm cho người nghèo và thực hiện nhiều hoạt động khác để chăm lo cho người nghèo.
Trong 3 năm (từ 2011 - 2013), toàn tỉnh có 22.394 hộ thoát nghèo, hơn 3.000 hộ nghèo mới phát sinh. Số liệu rà soát hộ nghèo đến cuối tháng 12-2013, toàn tỉnh có 28.335 hộ nghèo, chiếm 6,33% hộ dân toàn tỉnh; 22.448 hộ cận nghèo mức 1 và 6.254 hộ cận nghèo mức 2.
Hiện tại các địa phương trong tỉnh đang tiến hành bình xét hộ nghèo cuối năm 2014. Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu giảm 5.200 hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm 2015, tỉnh còn dưới 20.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ dưới 4,5% hộ dân toàn tỉnh.
THỦY HÀ