CCB Nguyễn Văn Vàng: "Tỏa sáng" giữa cuộc sống đời thường
Trở về với cuộc sống đời thường, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với tinh thần tiến công, dám nghĩ dám làm, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Vàng (xã Long Hưng, huyện Châu Thành) đã nỗ lực vươn lên, từng bước ổn định kinh tế gia đình.
Xuất thân từ gia đình nông dân, năm 1984 ông Vàng đi bộ đội và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, đến cuối năm 1987 ông xuất ngũ trở về quê hương.
Những ngày đầu bắt tay vào lao động sản xuất, ông ra sức cải tạo 1.000 m2 đất của gia đình để trồng bông huệ, nhưng do lợi nhuận không cao, ông chuyển sang trồng táo, ổi. Song, cứ đến mùa thu hoạch thì táo, ổi lại rớt giá, có lúc ông định bỏ đất, buông xuôi. Thế nhưng nghĩ lại ông bàn với vợ lấy hết vốn dành dụm của gia đình để mua thêm 2 công đất lập vườn trồng sa pô. Và lần này, “đất lành nở hoa”, cây phát triển tốt tươi như sự mong đợi của ông.
Thấy đất còn trống, ông trồng xen trên mặt liếp các loại rau màu: Tía tô, rau quế, cần tàu, ngò gai... Việc làm này vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất, lại có thêm thu nhập. Hiện tại, sa pô đang cho trái và bán được giá từ 10.000 -12.000 đồng/kg, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Ông đang chuẩn bị thu hoạch từ 12 - 15 tấn ngò gai, ước thu về từ 70 - 80 triệu đồng. Hàng năm, chỉ tính từ việc trồng xen các loại rau màu vào vườn sa pô đã mang về cho ông nguồn thu khoảng100 triệu đồng.
Khi được hỏi về kinh nghiệm trồng và chăm sóc sa pô, ông Vàng cho biết: Trước khi trồng sa pô phải xử lý đất bằng vôi bột và bón lót phân hữu cơ. Cây ra đọt non phải phòng trừ sâu đục thân và đục trái. Bình quân cây trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái, thông thường năng suất năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước nếu được chăm sóc, xử lý đúng cách.
Ông cũng cho biết thêm, bên cạnh những loại bệnh thường gặp như bệnh thối trái, rệp sáp thì sâu đục thân là đối tượng thường gây hại nhiều và rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, trong thân cây, thuốc hóa học không thể thấm được vào bên trong cành, trong cây mỗi khi phun thuốc.
Sâu đục từ trên ngọn xuống, càng lớn chúng càng đục ăn sâu hơn vào phần gỗ, làm cho cành bị suy yếu, lá bị vàng, còi cọc, ít trái, trái bị rụng nhiều... Nếu không diệt trừ kịp thời, để sâu đục vào đến tim cành thì cành sẽ bị chết. Đặc biệt, nếu sâu đục xuống đến gốc thì cây sẽ chết.
Hiện tại, vườn xen canh lấy ngắn nuôi dài của gia đình ông được Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã chọn làm mô hình điểm để bà con tham quan, học tập, rút kinh nghiệm. Những “quả ngọt” mà ông có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, cùng ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên. Hiện ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con nên người.
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Vàng - người CCB chịu thương, chịu khó, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Hội CCB xã Long Hưng cho biết: Anh Nguyễn Văn Vàng rất nhiệt tình, năng động trong công tác Hội; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con; luôn tìm tòi, học hỏi, đề xuất những sáng kiến hay, góp phần tích cực vào công tác Hội.
MINH TOÀN