Chân dung 2 mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Phước Lập
Trong đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (VNAH) cho 48 mẹ tại huyện Tân Phước vào tháng 9 - 2014, có 2 mẹ còn sống.
MẸ VNAH TRẦN THỊ HAI, ẤP KINH 2A: Vinh dự được Nhà nước ghi nhận công lao
Tới thăm mẹ VNAH Trần Thị Hai, ấp Kinh 2A, xã Phước Lập vào những ngày cuối năm - mẹ vừa được phong tặng danh hiệu mẹ VNAH, chúng tôi có thể nhận thấy niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mẹ.
Mẹ tâm sự: “Được Đảng và Nhà nước ghi nhận thế này không chỉ mẹ mà các con, cháu trong gia đình đều cảm động và vinh dự lắm. Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy như mẹ thì chẳng còn mong muốn gì hơn là được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp chính quyền, của bà con lối xóm. Chắc giờ này ở dưới suối vàng ông Thạch và thằng Đực cũng cảm thấy ấm lòng…”.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh gắn Huy hiệu cho mẹ Trần Thị Hai. |
Đã bước sang tuổi 85, đôi mắt mẹ đã mờ, ký ức không còn rõ nét nhưng những kỷ niệm của mẹ về chồng là liệt sĩ Phạm Văn Thạch và con là liệt sĩ Nguyễn Văn Đực không hề phai nhạt. Nhắc đến anh Đực, đôi mắt của mẹ lại nhòe lệ: “Mẹ có 5 người con thì thằng Nguyễn Văn Đực là con trai cả. Là con trưởng trong một gia đình đông con nên ngay từ bé thằng Đực đã phải giúp ba mẹ công việc nhà cửa, đồng áng, trông nom các em”.
Trong ký ức của mẹ thì anh Đực rất ngoan hiền và có hiếu với mẹ. Anh Đực hy sinh năm 1971 ở Ba Dừa (huyện Cai Lậy), khi chỉ mới 24 tuổi, có vợ đang hứa hôn ở quê nhà.
Mẹ bồi hồi nhắc người chồng của mình: “Ngày lên đường ông vẫn vui vẻ nói mẹ yên tâm, hòa bình ông sẽ về với mẹ, cùng mẹ chăm sóc các con, vậy mà… Ông hy sinh khi đứa con út vừa tròn 8 tháng tuổi”.
MẸ VNAH TRẦN THỊ KỈNH, ẤP MỸ LỢI: Con, cháu phải phát huy truyền thống gia đình
Mẹ VNAH Trần Thị Kỉnh, ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập có chồng là Hồ Văn Sách và con là Hồ Văn Đực hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cách đây hơn 2 năm, trong cơn bạo bệnh mẹ Kỉnh phải nằm một chỗ. Chúng tôi đến thăm, mẹ hầu như không biết gì, nhưng đôi mắt mẹ ánh lên như muốn nói điều gì.
Cô Hồ Kim Lan chăm sóc mẹ Trần Thị Kỉnh. |
Mẹ Trần Thị Kỉnh hiện đang sống cùng người con gái Hồ Kim Lan, tại xã Phước Lập. Cô Hồ Kim Lan cho biết: “Ba và anh Đực hy sinh cách nhau 3 năm, lúc đó cô hơn 10 tuổi nên còn nhớ rõ. Ba và anh Đực hy sinh mẹ đã nén nỗi đau mà lo nuôi các con khôn lớn. Ba hy sinh khi mẹ mang bầu thằng út. Còn anh Đực hy sinh khi mới hơn 20 tuổi, chưa có vợ”.
Dù mẹ Kỉnh bị bệnh, nhưng mẹ là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho các con. Cô Lan chia sẻ: “Trước đây, mẹ luôn răn dạy các con, cháu phải luôn phát huy truyền thống của gia đình, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; trong gia đình phải kính trên, nhường dưới; đối với bạn bè, chòm xóm phải hòa nhã, thân thiện,…”.
Chính vì vậy, mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm, gia đình mẹ nhiều năm liền là gia đình văn hoá tiêu biểu”.
***
Mẹ VNAH Trần Thị Hai, Trần Thị Kỉnh nói riêng và các mẹ VNAH nói chung luôn là hình tượng đẹp đẽ nhất, sáng chói nhất. Nghĩ về tấm gương của các mẹ, mỗi chúng ta đều cần phải cố gắng hơn nữa, phấn đấu hơn nữa trong công tác và trong cuộc sống. Các mẹ luôn là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.
P. MAI