Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh:KS |
Sáng 26-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi tọa đàm báo chí về những điểm mới Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2014.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 20-11-2014 Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về mặt kết cấu, luật kế thừa luật hiện hành trên cơ sở bỏ 1 Chương về bảo hiểm thất nghiệp; gộp Chương IX Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và Chương X Khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương. Theo đó, luật gồm 9 chương và 125 điều, ít hơn luật hiện hành 11 chương và 141 điều.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Tập trung vào những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết so với luật hiện hành, luật sửa đổi tập trung đổi mới về phạm vi điều chỉnh; quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động; bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Cụ thể, bà Nga cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp do bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định trong Luật Việc làm. Trong khi đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp.
Đối với quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động. Luật mới đã bổ sung thêm một số quyền cho người lao động như được tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội; hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc, hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi…
Đối với người sử dụng lao động phải có trách nhiệm định kỳ 6 tháng niêm yết thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; hàng năm niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.
Liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo bà Nga, luật sửa đổi sẽ tập trung vào một số điểm mới như tăng mức trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ bản (hiện hành quy định bằng 25% nếu nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe tại gia đình và 40% nếu tại cơ sở tập trung).
Chồng cũng được nghỉ thai sản
Luật cũng bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 7 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Ngoài ra, trường hợp vợ sinh đôi được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
Bà Trần Thị Thúy Nga (bên phải), Vụ trưởng Vụ BHXH thông tin về những điểm mới của Luật BHXH 2014. Ảnh:KS |
Đặc biệt một nội dung rất được dư luận quan tâm đó là chế độ hưu trí cũng được Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.
Về bảo hiểm xã hội một lần, luật đã thắt chặt điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng chỉ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài định cư hợp pháp. Đồng thời bổ sung trường hợp được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần với người bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế .
Đánh giá Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, khi luật đi vào thực tế sẽ tạo điều kiện mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng các chính sách về bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là nhóm lao động trong khu vực nông thôn vốn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, khâu tổ chức thực hiện luật cần theo hướng cải cách nhằm tạo thuận lợi cho người dân với phương châm là đơn giản nhất, thuận tiện nhất và minh bạch nhất. Cần phấn đấu trong 2,3 năm nữa đưa được công nghệ thông tin vào tổ chức, quản lý bảo hiểm xã hội từ đó tạo sự đơn giản hóa cho đội ngũ quản lý cũng như giảm chi phí. Đồng thời, trong thời gian tới các cơ quan truyền thông sẽ song hành với Bộ trong quá trình thực hiện luật. Từ đó có những góp ý kịp thời để Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống thực sự có hiệu quả như chúng ta mong muốn.
(Theo dangcongsan.vn)