Thứ Hai, 05/01/2015, 15:03 (GMT+7)
.

Già hóa dân số nhanh - cần quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi

Tại nước ta, từ sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật nói chung và khoa học y học nói riêng, cùng với cuộc sống yên bình, cuộc sống của người dân đã được kéo dài, tuổi thọ tăng lên. Đây là một trong những thành tựu to lớn của công tác chăm sóc sức khỏe cũng như của công tác DS-KHHGĐ, bởi vì ước muốn của loài người là được sống thọ, sống khỏe.

Tuy nhiên, khi tuổi thọ người dân tăng lên thì tốc độ già hóa dân số cũng tăng nhanh, trở thành thách thức, hạn chế việc tận dụng thời cơ “dân số vàng” để tập trung nguồn lực lao động cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.                                                                                                                                                     Ảnh: PHƯƠNG MAI
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: Phương Mai

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2017. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng nhanh người cao tuổi, đến ngày 1-4-2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 10,1% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,2%, như vậy nước ta đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo.

Tại Tiền Giang, tỷ lệ người 60 tuổi trở lên năm 2012 là 11,25% và người từ 65 tuổi trở lên là 7,67%; cho nên Tiền Giang bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2012.

Căn cứ Kế hoạch 95/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, với mục tiêu tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và khám bệnh cho người cao tuổi, đặc biệt quan tâm chữa bệnh cho người cao tuổi cô đơn, người cao tuổi bệnh nặng không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh.

“Già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là tình trạng dân số trong đó tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên.

Giai đoạn “dân số già” còn gọi là giai đoạn “dân số đã già” là tình trạng dân số trong đó tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên. “Dân số siêu già” là tình trạng dân số trong đó tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số trở lên.

Các bệnh viện thành lập Khoa Lão khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực; lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính cho người cao tuổi trong hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi.

Đối với các trạm y tế xã (phường, thị trấn) tổ chức khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế, hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe;

Đồng thời lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, quản lý bệnh mạn tính cho người cao tuổi tại cơ sở; hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng người cao tuổi bị tàn tật để phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác.

Bên cạnh đó, trạm y tế sẽ cử cán bộ y tế đến khám, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Y tế khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi. Sở Y tế cũng phối hợp liên ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi để người cao tuổi tự phòng bệnh.

Tuy nhiên, kinh nghiệm tổ chức thực hiện việc khám bệnh cho những người cao tuổi tại tỉnh cho thấy, khi tập trung tại 1 điểm thì mọi đối tượng đều như nhau, không còn mang tính chất “ưu tiên” như khi khám tại những khoa khác, bởi lẽ ai cũng cao tuổi cả, thậm chí có rất nhiều trường hợp mà người cao tuổi hơn nhưng lại khỏe mạnh hơn, còn đi lại được so với người ít tuổi hơn, nhưng phải được cõng hoặc đi xe lăn, dẫn đến nhiều tình huống rất khó xử, cán bộ y tế phải khéo léo thuyết phục để sắp xếp ưu tiên theo tình trạng bệnh tật chứ không ưu tiên theo tuổi.

Nước ta đã dần hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương như viện lão khoa, các khoa lão khoa để trực tiếp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hệ thống y tế cơ sở cũng đã từng bước đưa vào quản lý và hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Cùng với nhu cầu của xã hội, sẽ hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe do người dân tự tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi và gia đình tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe một cách chủ động, tự tin, lạc quan để thực hiện phương châm “già hóa chủ động” thì người cao tuổi vẫn có thể sống vui, sống khỏe, sống tốt nếu biết cách chung sống với các loại bệnh tật của mình.

Rõ ràng, việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi vừa là trách nhiệm, thể hiện đạo lý, văn hóa sống của dân tộc, cộng đồng, vừa thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, nhất là trong lúc tốc độ già hóa dân số rất nhanh của nước ta hiện nay.

Chúng ta đã, đang và sẽ quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư về vật chất và nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, hoàn thành thật tốt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.