Anh ra đi, để lại y đức và vần thơ cho đời
Lương y - Bác sĩ Trần Hữu Hằng quê quán xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy trong một gia đình Nho giáo, bút danh Nhất Đán. Từ nhỏ, được ông nội dạy chữ thánh hiền, sau đó anh cùng với 30 môn sinh Tiền Giang rước Thầy Tú Cao Phan từ xứ Nghệ về đây. Học xong, anh tham gia cách mạng (năm 1945), được đi tập kết anh học tiếp, đậu bác sĩ ngoại khoa Trường Đại học Y Hà Nội.
Thăm anh Ba Hằng (ngồi giữa) tại nhà riêng ở TP. Mỹ Tho. |
Lấy vợ tại Hà Thành, năm 1964 anh vượt Trường Sơn về Khu 8 góp phần giải phóng quê hương. Anh được giao nhiều trọng trách: Trưởng đoàn Điều trị dân y, Trưởng Y tế khu, Phó ban Dân y Trung Nam bộ, Chủ tịch Hội Y học cổ truyền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang.
Do có công lao anh xây dựng và chỉ dẫn, Sở Y tế, Hội Đông y Tiền Giang lập thành tích xuất sắc nhất các tỉnh Đồng bằng Trung Nam bộ.
Anh vinh dự là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được phong Thầy thuốc Ưu tú, lương y. Anh còn là đại biểu Quốc hội khóa VI đơn vị tỉnh Tiền Giang, được nhận nhiều Huân chương chống Pháp, chống Mỹ, Huy hiệu 40, 50, 55, 60 và 65 tuổi Đảng.
Tấm gương sáng ngời về y đức của anh được người đời và ngành Y ca tụng, đặc biệt là về phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Anh còn là một cây đại thụ về Hán - Nôm tìm hiểu những nét xưa của tổ tiên.
Anh là nhà thơ Đường luật nổi danh, có rất nhiều bài đăng trong các tập thơ của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, trong các tập: Sông Tiền quê mẹ, Hoa quỳ, Chiều sắc thắm…, cảm hứng của anh tập trung vào đề tài Đảng, Bác Hồ, Xuân và những ngày kỷ niệm của dân tộc. Thơ anh chuẩn mực và làm say đắm lòng người.
Anh thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng lúc 16 giờ ngày 4-2-2015. Tiễn biệt anh, xin có vần thơ:
Chết được như anh thật như tiên
Nhiệm vụ lo tròn tới đỉnh non
Thời điểm ra đi tưng bừng nhất
Để lại cho đời bao tiếng thơm.
SỸ HIỆP