Bà Nguyễn Thị Ánh: Kinh doanh thành công để báo đáp tình dân, nghĩa Đảng
Trong số 7 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng vào chiều 30-1 tại Đảng ủy phường 1 (TP. Mỹ Tho) có bà Nguyễn Thị Ánh, người đã đi theo cách mạng từ khi mới 17 tuổi. Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, giành hòa bình cho quê hương, bà Ánh tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà trong tâm thế của một người lính thời bình trên mặt trận kinh tế.
Hơn 20 năm qua, bà Ánh đã “chèo lái” Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) và Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân trụ vững qua các thời kỳ gian khó; đồng thời góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ánh nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. |
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Nhắc lại thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, bà Ánh cho biết, vào năm 1962, khi mới 17 tuổi (ở xã Phú Quí, huyện Cai Lậy), bà đã chính thức tham gia cách mạng, chấp nhận cuộc sống gian khổ và đầy nguy hiểm. Sau khi chính thức tham gia lực lượng cách mạng, bà Ánh được phân công hoạt động trong Hội Phụ nữ tỉnh, nhiệm vụ chủ yếu là vận động chính trị trong nhân dân.
Đến năm 1964, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động trong vùng địch chiếm đóng nên những gian khổ, khó khăn của chiến tranh bà Ánh đều trải qua.
Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, bà Ánh được tín nhiệm phân công làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh. Năm 1986, bà được Đảng và Nhà nước phân công nhận nhiệm vụ mới, với chức vụ là Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Xuất nhập khẩu Thủy sản Tiền Giang. Chính lúc này, bà Ánh bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh ngành thủy sản. Đối với bà, một người chưa từng kinh doanh thì đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực và sự năng động của bản thân, bà Ánh đã cùng Ban Giám đốc điều hành Liên hiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang một cách có hiệu quả, với việc xuất khẩu hàng trực tiếp chứ không thông qua bất kỳ trung gian nào.
Chuyến hàng đầu tiên liên hiệp xuất 50 ngàn USD tôm càng xanh cho 1 công ty của Singapore. Tiếp nối bước khởi đầu thuận lợi, các doanh nghiệp trong liên hiệp đã liên tiếp nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường Nhật Bản và thị trường của các nước khác.
Từ đó, Liên hiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang dần lớn mạnh, đời sống công nhân được cải thiện đáng kể. Có thể nói, bà Ánh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Trong suốt quá trình công tác, bà đã học hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu về điều hành quản lý trong ngành thủy sản.
Khởi nghiệp khi... đã về hưu
Năm 1994, bà Ánh nhận quyết định về hưu theo quy định của Nhà nước. Cứ ngỡ rằng đây sẽ là thời điểm để bà có một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi sau những tháng năm vất vả, cống hiến. Nhưng đây lại là cột mốc để bà bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh cho riêng mình, được đánh dấu bằng sự ra đời của Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (gọi tắt là Sotico) vào năm 1995.
Với quyết tâm đưa con nghêu Tiền Giang đi xuất khẩu, làm giàu cho quê hương, Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền của bà Ánh đã giải quyết được thị trường tiêu thụ nghêu nguyên liệu, mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Đây thật sự không chỉ đem lại niềm vui cho người dân địa phương mà còn tích cực giúp chính quyền địa phương thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo.
Từ một xưởng chế biến nhỏ, Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền đã không ngừng phát triển, công suất nhà máy được nâng lên 300 tấn sản phẩm/tháng, với những sản phẩm như: Nghêu vỏ, mảnh lụa, mực ống, mực nang... danh tiếng trên thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường luôn yêu cầu khắt khe về chất lượng và uy tín thương hiệu của sản phẩm.
Với những nỗ lực đó, công ty của bà Ánh đã đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng HACCP và là một trong những doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đầu tiên được cấp mã số (code) xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của con cá tra, năm 2008 bà Ánh thành lập thêm Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân, chuyên nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, với công suất 70 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Nhà máy Ngọc Xuân được trang bị công nghệ và máy móc chế biến hiện đại, được chứng nhận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như: HACCP, DL 487, ISO, BRC, IFS...
Công nhân Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền trong giờ lao động. Ảnh: Thái Thiện |
Để chủ động đầu vào nguyên liệu và bảo đảm chất lượng sản phẩm, Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân đã sớm đầu tư mua đất và quy hoạch đào ao nuôi cá tại cồn Phú Túc và cồn Phú Đức (tỉnh Bến Tre) với tổng diện tích 40 ha. Vùng nuôi của Ngọc Xuân đã được cấp chứng nhận Global GAP cho khoảng 10 ha diện tích nuôi. Tính đến nay, vùng nuôi cá tra của Ngọc Xuân đã đi vào hoạt động 4 năm, đáp ứng 80% nhu cầu chế biến của nhà máy.
Hiện nay, các sản phẩm của 2 công ty bà Ánh đã có mặt ở 25 quốc gia, trong đó châu Âu là thị trường tiêu thụ chủ yếu, với tổng doanh số hàng năm khoảng 20 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động. Ngoài chăm lo tốt đời sống công nhân, bà Ánh còn triển khai thực hiện công tác xã hội từ thiện, với kinh phí hàng năm hơn 2 tỷ đồng.
Từ một người không hề có kinh nghiệm trong kinh doanh, nhưng với tâm niệm “kinh doanh cần tín, cuộc sống cần tình”, bà Ánh đã thành công ở vị trí điều hành các công ty chế biến thủy sản của cả Nhà nước và tư nhân. Trong kinh doanh, bà Ánh cho rằng, điều quan trọng trước hết là phải có chữ tín đối với khách hàng, kế đến là tính ổn định của chất lượng sản phẩm và yếu tố con người.
Chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống đời thường, bà Ánh nghĩ rằng, trong cuộc sống điều đáng quý nhất chính là cái tình, cái nghĩa. Với những suy nghĩ đó nên vào những dịp lễ, tết, trong khi nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi thì bà Ánh lại ngược xuôi đến thăm những người đã từng gắn bó với mình trong những năm tháng trước đây.
Trong niềm vui khi nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, bà Ánh chia sẻ: “Ngày xưa khi đi kháng chiến, được sự đùm bọc, chở che của đồng bào, đồng đội, ơn Đảng, lòng dân trọn nghĩa tình nên mới được như hôm nay. Vì thế, bây giờ kinh doanh phải thành công để có thể báo đáp thật xứng đáng, góp phần làm giàu đẹp quê hương, đất nước mình”.
PHƯƠNG NGHI