Thứ Bảy, 14/02/2015, 07:22 (GMT+7)
.

Những nghề đặc trưng trong dịp Tết

Dạo qua các con đường, các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho trong những ngày giáp Tết, không khí khá tấp nập, khẩn trương. Những công việc đặc trưng trong ngày Tết xuất hiện khá nhiều như: chùi lư; làm cây, hoa giả; khắc dưa hấu Tết… Ngay cả, những tiệm sửa quần áo, những chổ sửa giày dép ở các gốc đường cũng nhộn nhịp hẳn lên.

Cây kim đa lộc” do gia đình cô Thuỳ Trang gia công tại nhà
Cây kim đa lộc” do gia đình cô Thuỳ Trang gia công tại nhà.

Hàng chục bộ lư đồng màu ánh kim phản chiếu óng ánh trên các tuyến đường, kèm theo âm thanh gò hàn khét lẹt của người thợ tiện báo hiệu Tết cổ truyền đang đến rất gần. Đó là “nghề chùi lư đồng”, nghề thời vụ một năm chỉ xuất hiện một lần. Ngày thường thì làm nghề sửa xe, nhưng đến đầu tháng 12 âm lịch, anh Lê Hoàng Trung cùng các anh em, trên đường Lê Thị Hồng Gấm lại chuyển sang nghề chùi lư đồng.

Vừa chùi bộ lư đồng sáng óng, anh Trung vừa chia sẻ: “Cũng hơn 10 năm rồi, cứ sắp đến Tết là mấy anh em chuyển sang chùi lư. Dịp Tết năm trước, tôi nhận chùi trên 200 bộ lư đồng. Tiền công mỗi bộ tuỳ theo hình dáng bộ lư, có những bộ lư hoa văn nhiều chạm trổ tinh vi, dễ chùi nhất là lư tứ giác, lư tròn, vì thế mà giá dao động từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/ bộ”.

Trong những ngày này, chú Đinh Đức Thành, trên đường 30-4, mỗi ngày nhận chùi gần 20 bộ lư đồng. Với hơn 30 năm làm nghề chùi lư vào dịp Tết, chú Thành chia sẻ kinh nghiệm:

“Để bộ lư đồng vừa sáng, vừa bóng, tránh hao mòn, trước hết phải ngâm lư đồng với nước me pha loãng, đem phơi nắng rồi mới đem vô chùi, sau đó phủ thêm 2 lớp nước bóng. Hoàn toàn không được sử dụng hoá chất để chùi lư. Công việc này chỉ làm thời vụ nhưng thu nhập khá cao. Vừa có thêm thu nhập, lại vừa làm đẹp cho bàn thờ tổ tiên nhà nhà trong dịp Tết cổ truyền”.

Chỉ cần vài cái dùi, cái kéo, keo dán, những người “thợ” sửa giày dép ở các gốc đường cũng đang khẩn trương với công việc. Tại ngã tư Lê Lợi - Thủ Khoa Huân có đến 4-5 thợ sửa giày dép. Tay thoăn thoắt luồn từng mũi kim may lại đôi giày cho khách, chị Hồng Ngọc nói với chúng tôi: “Ngày thường chỉ sửa 5-7 đôi giày, tới những ngày giáp Tết mỗi ngày tăng lên 30 - 40 đôi”.

Với kinh nghiệm gần 30 năm làm giày dép, khi hỏi tới chú “Thanh giày”, thì hầu như những người làm giày dép đều biết chú. Trước đây, chú Thanh làm giày cho các tiệm giày dép tại Mỹ Tho. Hơn 2 năm nay, chỉ với một cái thùng dựng giày dép, vài dụng cụ sửa giày, chú Thanh hiện sửa giày dép ngay góc đường Hùng Dương - Lê Đại Hành.

Chú Thanh cho biết: “Nghề sữa giày làm quanh năm, nhưng đến Tết thì khách hàng đông hơn. Nghề sửa giày không cho thu nhập cao hay ổn định, nhưng với các nghề mưu sinh trên vỉa hè này có thể nuôi sống bản thân”.

Cũng tương tự như nghề sửa giày dép, trong những này tuyến đường sửa quần áo trên đường Lê Đại Hành tấp nập khách hàng. Có nhiều tiệm người thợ sửa quần áo tăng từ 2 người lên 5-7 người mà vẫn không làm kịp hàng.

4 năm nay, trên địa bàn TP. Mỹ Tho xuất hiện một mặt hàng khá mới mẻ dùng để chưng trong nhà vào dịp Tết. Đó là “Cây kim đa lộc” do gia đình cô Thuỳ Trang ở đường Thái Sanh Hạnh, phường 8, TP. Mỹ tho gia công.

Cây kim đa lộc có hình dáng khá bắt mắt, chân đế là hình thỏi vàng hoặc hình các con vật, các nhánh cây, trái được làm từ các vật dụng đơn giản, nhưng toàn bộ đều màu vàng. Cây kim đa lộc thu hút khách hàng nhờ sự lấp lánh và ý nghĩa của nó. “Kim đa lộc” được hiểu là nhiều tài lộc và may mắn. 

Cô Thuỳ Trang cho biết: “Đây là mặt hàng mới nên rất hút khách. Ngày Tết ai cũng muốn trong nhà mình lấp lánh ánh vàng. Bên cạnh, cô còn các màu khác tuỳ theo sở thích của khách hàng như: cây kim đa lộc màu xanh, màu đỏ…tượng trưng cho sự hy vọng và may mắn quanh năm. Tuỳ theo kích thước mà có giá dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng một cây”.

P. MAI

.
.
.