Những người lặng lẽ đem niềm vui đến mọi nhà
Đối với người Việt Nam, 30 Tết là ngày được đoàn tụ cùng gia đình trong thời khắc thiêng liêng, khi đất trời chuyển mình bước sang một năm mới. Thế nhưng, do đặc thù công việc, nhiều người không được đón niềm vui đó. Họ - các công nhân vệ sinh, bác sĩ, phóng viên, kỹ thuật viên…thì phút giao thừa cứ lặng lẽ trôi qua khi họ đang miệt mài với công việc, góp phần tô điểm cho sắc Xuân thêm trọn vẹn.
Phiên chợ hoa cuối năm vừa tan, rác vương vãi khắp nơi. Đó cũng là lúc những công nhân vệ sinh phải làm nhiệm vụ chuẩn bị cho một ngày mới. Công việc của họ bắt đầu từ 3 giờ chiều và kết thúc khoảng 3 đến 4 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Vì vậy, với họ được đoàn tụ cùng gia đình trong thời khắc thiêng liêng, đất trời chuyển mình bước sang một năm mới là một điều không thể xảy ra, một khi đã dấn thân vào công việc này.
Nhiều người gắn bó với công việc quét rác đã hàng chục năm, nhưng họ vẫn chưa biết đến việc đón giao thừa cùng với gia đình là gì! Bởi với họ, đêm giao thừa là lúc họ phải làm việc tất bật hơn, lượng rác thải từ chợ hoa, chợ rau củ rồi cả nơi mà mọi người vui chơi, đón giao thừa ngày càng nhiều hơn.
Khi dòng người tất bật ngược xuôi về sum họp với gia đình thì họ vẫn cặm cụi, lầm lũi, âm thầm nhanh tay, nhanh chân làm đẹp phố phường trước khi mặt trời thức dậy, góp phần tô điểm cho thành phố ngày đầu Xuân.
Vừa thu gom mấy nhành mai và vài manh bao của người bán hoa bỏ lại tại chợ hoa, anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân quét rác thuộc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị TP. Mỹ Tho trải lòng:
"Đêm giao thừa hầu như tất cả các thành viên của Công ty đều không được đón giao thừa. Công ty huy động hết công nhân viên và điều động các anh em bên bộ phận khác sang phụ quét dọn cho đêm 30 Tết, vì lượng rác tăng gấp 5 đến 7 lần so với ngày thường.
Ngoài việc quét rác, chúng tôi còn phải bơm nước để quét sạch đường ở khu vực chợ hoa xuân, để ngày đầu năm đường được sạch đẹp, khang trang. Ai đã gắn bó với công việc này thì sẽ không có "cơ hội" được đón giao thừa vào giờ khắc thiêng liêng như những người làm các ngành nghề khác".
Với những y, bác sĩ - người làm nhiệm vụ cấp cứu tại bệnh viện nói chung và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh nói riêng thì những ngày cuối năm, nhất là đêm giao thừa, họ phải làm việc với cường độ cao để cứu chữa cho hàng trăm trường hợp bị chấn thương.
Các bệnh viện đã phân công đội ngũ y - bác sĩ trực Tết 24/24 giờ trong đêm giao thừa, để kịp thời cấp cứu những nạn nhân bị tai nạn giao thông, vì ngày 30 Tết, bao giờ mật độ người và phương tiện đi lại cũng tăng đột biến.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh khoảng 30 phút vào đêm giao thừa, chúng tôi đã chứng kiến hơn 7 ca nhập viện với đủ nguyên nhân. Thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu vang lên rồi 1 ca bị tai nạn giao thông được chuyển tới. Ít phút sau lại một ca chấn thương, toàn thân bê bết máu do đánh nhau....
Những y, bác sĩ khẩn trương chuyển các bệnh nhân vào phòng cấp cứu, thực hiện đủ các biện pháp nghiệp vụ như: thăm khám, cầm máu, chẩn đoán... Tất cả như quên đi mệt nhọc, toàn tâm, toàn ý và cố gắng hết sức mình để cứu chữa cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân đã ổn định thì cái thời khắc thiêng liêng, đón giao thừa, cầu nguyện cho một năm mới với những điều may mắn cũng qua đi. Đôi khi họ cũng thấy chạnh lòng nhưng rồi vì sức khỏe, vì những nụ cười của bệnh nhân rồi cũng vì cái nghiệp cao cả mà họ đành gác chuyện riêng tư và lấy niềm vui khi chữa khỏi mỗi ca bệnh làm niềm vui cho bản thân mình.
Vừa kê xong toa thuốc cho bệnh nhân vừa mới được cấp cứu do bị tai nạn giao thông, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh nói:
"Ngày tết thường thì bận hơn, nhiều vụ đua xe, tai nạn giao thông hơn những ngày thường, dẫn đến chấn thương sọ não, gãy xương... nhìn rất đáng thương và xót xa. Mình thì cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để cứu họ sống sót qua cơn nguy kịch. Nhiều khi, không có thời gian để thở, anh em phải đem cơm vào tận phòng trực để tranh thủ rảnh tay hồi nào thì ăn hồi đó".
Ngoài ra, để có được một chương trình văn nghệ trực tiếp chào mừng năm mới, những màn bắn pháo hoa đẹp mắt đến với những người không có điều kiện đến tận hiện trường để xem, mà họ chỉ thưởng thức qua màn ảnh nhỏ thì ngay buổi chiều các anh phóng viên, kỹ thuật viên... phải chia tay gia đình để "mang mùa xuân" đến cho mọi người.
Khi chương trình chào năm mới cất lên, khi những loạt pháo hoa nổ trên bầu trời cũng là lúc họ phải tập trung cao độ, cặm cụi, chắc chiu cho được những thước phim đẹp nhất để chuyển tải đến với khán, thính giả đang xem đài và xem đây như một món quà xuân ý nghĩa.
Khi chương trình trực tiếp đã kết thúc, kim đồng hồ đã bước qua khoảnh khắc thiêng liêng của một năm mới, nhà nhà im lìm chìm vào giấc ngủ, dòng người ngược xuôi đổ về sum họp cùng gia đình thì các anh lại phải cặm cụi, lầm lũi thu dọn các dụng cụ. Thế là một năm nữa, các anh - những người mang thông điệp mùa xuân đến với khán, thính giả lại một lần nữa lỗi hẹn với cha mẹ, vợ con, anh em trong đêm giao thừa này.
Phóng viên Trần Liêm, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang vui vẻ nói: "Tôi làm nghề quay phim đã gần 20 năm rồi, đồng nghĩa với gần 20 năm tôi không được đón giao thừa cùng với gia đình. Trực tiếp giao thừa, bắn pháo hoa hàng năm thường hơn 12 giờ mới kết thúc, dọn dẹp máy móc cũng hơn 1 giờ khuya mới xong.
Đôi lúc cũng thấy buồn với nghề, nhưng nghĩ lại mình cùng với những anh em khác đã giúp cho những bà con ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhà và các tỉnh lân cận có được một chương trình văn nghệ, một đêm thưởng thức pháo hoa vui tươi thì mình cũng vui theo, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui cho chính mình".
Bên cạnh đó, đón Tết muộn còn phải kể đến các anh chiến sĩ công an làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, các anh thợ điện bảo vệ dòng điện đêm giao thừa... Và trên mọi miền của đất nước còn rất nhiều những người đang ngày đêm tận tụy với công việc. Họ đã và đang hy sinh thầm lặng những tình cảm riêng tư để góp phần dệt nên những mùa Xuân bình yên, vui tươi và ấm áp, minh chứng sống động của chân lý "mình vì mọi người", góp phần làm cho niềm vui mùa Xuân thêm trọn vẹn.
MINH TOÀN