Thứ Tư, 04/02/2015, 19:31 (GMT+7)
.

Tết về nặng gánh lo toan

Phố phường rộn rã khúc ca xuân, đó đây đã bày đầy những món hàng cho ngày tết. Ở những vùng quê xa lắc, những cành mai đã được lặt trụi lá, vạn thọ đâm cành chơm chớm nụ… Mùa đã chuyển sang xuân… Thế nhưng cái tết vẫn là nỗi lo của những người lao động nhọc nhằn nơi phố thị và những cảnh nghèo ở miền quê…

aaa
Dì Ba (Bùi Thị Be) bên nồi chè trong lề chợ Mỹ Tho.

TẾT VỀ NƠI PHỐ THỊ

Dọc Quốc lộ 50, làng hoa Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) đã rực rỡ sắc màu, chợ hoa đã phân những lô chờ mai, hồng, cúc, lan… về khoe sắc; những giỏ quà đóng gói, những shop áo quần thời trang xuân đang chờ đón khách hàng và Đường hoa Hùng Vương đang khẩn trương chuẩn bị cho khách du xuân Ất Mùi…

Người khá giả dẫn vợ, đưa con mua sắm đồ tết, rạng rỡ môi cười. Thế nhưng ở đâu đó trên đường phố vẫn còn những ánh mắt lo âu của người đạp xích lô, xe ôm, bán hàng rong… mong đợi có khách hàng để kiếm tiền cho buổi chợ sáng mai, lo cho hủ gạo đã cạn, lo cho những viên thuốc để người thân chống chọi với cơn đau khi trời trở lạnh…

Ở cuối con đường vào chợ Mỹ Tho, một bà lão gập người đẩy chiếc xe nhỏ với nồi chè, thau khoai mì nấu đường. Mấy mươi năm rồi, nắng nhuộm làn da bà khằn lại sạm đen, người ta vẫn quen gọi bà là dì Ba bán chè, không ai biết bà có cái tên mẹ đặt Bùi Thị Be.

Dì Ba chia sẻ: “Nhà dì rất đông anh em, nên mới 10 tuổi dì đã lây lất ngoài chợ kiếm sống. Tết đối với dì là thêm nỗi lo vì 20 âm lịch dì phải nghỉ bán, bởi người ta bày hàng đầy chợ không có chỗ đẩy xe bán chè; rồi phải tìm chỗ để xin dọn dẹp nhà cho người ta ăn tết, còn mình kiếm ít tiền mua ký thịt, bánh trái để có mâm cơm rước ông bà…”.

Còn chị Đặng Nguyên (khu phố 1, phường 1, TP. Mỹ Tho, làm tạp vụ ở quán café Nét Xưa) thì bảo: “Tết hay ngày thường đối với tôi cũng như nhau, bởi 4 giờ khuya đã đi làm đến 12 giờ trưa mới quay về nhà, 4 năm rồi tôi giúp việc ở đây, tháng 3 triệu đồng quay qua, quay lại không đủ chợ búa hàng ngày nên tết thì…” - chị bỏ lửng câu nói và cười, một nụ cười buồn.

Chúng tôi đến góc đường Rạch Gầm, phường 1 , TP. Mỹ Tho, đó là tổ ấm của đôi vợ chồng chú Lê Văn Út và thím Phùng Thị Nữ. Thím bệnh tật quanh quẩn trong nhà, chú làm nghề treo cờ, băng rôn cho các ngành và xã (phường). Chú làm việc này từ sau giải phóng miền Nam, giờ thì già rồi nên không còn treo được những tấm băng lớn mà chủ yếu cắm cờ hoa, cờ đuôi cá ven đường khi có lễ hội.

Chú nói: “Ráng sức làm để nuôi thím của con, thím bệnh đủ thứ nên thuốc men phải có uống hàng ngày. Con chú đứa nào cũng nghèo nên chú tự lo là chính, tết thì chú cũng không dư tiền mà mua sắm, nên đến tận 29, 30 mới mong đi chợ mua chút ít gì đó để có khi con cháu nó về; một số cơ quan thuê chú treo cờ, có chỗ quan tâm tặng ít quà nên trên bàn thờ cũng đỡ trống trải. Tưởng mấy đứa đến nhờ chú làm gì đó nên chú mừng…”. 2 người già co ro trong chiếc áo ấm cũ kỹ với cái lạnh của gió sông Tiền và câu cuối của chú làm chúng tôi xót lòng biết dường nào.

Vợ chồng chị Phạm Thị Huệ bên chiếc xe đẩy bán cá viên chiên ven Giếng nước.
Vợ chồng chị Phạm Thị Huệ bên chiếc xe đẩy bán cá viên chiên ven Giếng nước.

Đêm phố thị. Cái lạnh se thắt bao trùm lấy từng góc đường, từng con hẻm, anh xe ôm Trần Văn Hùng (nhà ở khu phố 8, phường 8, TP. Mỹ Tho), chú xích lô Lê Văn Phước (khu phố 9, phường 4, TP. Mỹ Tho) cùng chung một tâm trạng chờ đợi khách đi đường, bởi lẽ hành khách bây giờ đa phần đi xe buýt, taxi; họ cho rằng tết là nỗi lo lớn hơn ngày thường bởi vì phải làm sao có tiền mua đồ mới cho con, làm sao có tiền cho vợ đi chợ tết để mâm cơm tươm tất hơn…

Quanh Giếng nước (ở góc đường Lý Thường Kiệt và Tết Mậu Thân), những chiếc xe đẩy hàng rong xếp hàng, đèn sáng như chợ đêm với các món ăn vặt như: Cóc, me, mận, ổi… ngâm ăn với muối ớt hay các món cá viên, xúc xích  chiên…

Chị Phạm Thị Huệ (50 tuổi) vừa nhanh tay khéo léo gói thịt lá lốt, xâu vào que vừa chuyện trò như than thở: “Tụi tôi mà có tết nhứt gì đâu, cứ 4 giờ chiều đến 4 giờ sáng là ở ngoài đường như vầy. Ăn tết rất đơn giản, tới 30 tết mua ít hoa trái chưng trong nhà cho có với người ta, chứ tết bán gần như cả ngày và suốt đêm để bù những tháng mưa buôn bán ế ẩm, về nhà là lăn ra ngủ biết gì đến tết cô ơi!”.

Nhịp sống của những người lao động nghèo quanh năm như vòng quay của bánh xe đẩy, xe xích lô… chậm chạp, nặng nề; khi phố phường nhộn nhịp đón xuân hình như cuộc sống của họ vẫn chẳng có gì khác đi nhiều ngoài sự lo toan chồng chất.

XUÂN Ở NHỮNG VÙNG QUÊ

Ở những vùng quê, cứ sắp tết là như có ai đó tung lên bầu trời từng đàn chim én và nắng vàng hanh, pha trộn với gió, với cái lạnh. Bên những tòa nhà đồ sộ cao cổng, bên những con đường ngập hoa chờ tết thì trong những ngôi nhà nhỏ, trán người già như nhiều nếp nhăn hơn và mắt trẻ thơ như ướt hơn bởi xuân về mà hủ gạo vẫn chưa đầy và em thơ chưa kịp mua áo mới. Da của họ khô mốc vì trời lạnh và giọng họ chùn lại khi chúng tôi hỏi : “Tết sắp đến rồi nhà mình có chuẩn bị gì chưa?”.

Đôi mắt mấy đứa con của anh Nguyễn Minh Phương (SN 1984, ấp Phú Lợi, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) trong veo, miệng cười vô tư: “Ba nói chừng nào có tiền mới dẫn con đi mua áo mới!”. Tết tới mà anh Phương không tiền sắm đồ, mua sữa cho con, thùng gạo cạn dưới đáy, chị Lê Thị Định cười buồn: “Tại tụi em vỡ kế hoạch phải sanh đứa thứ 3 nên nhà đã nghèo, càng nghèo hơn. Nhà còn ít gạo đủ nấu nồi cơm chiều, không biết ngày mai lấy gì ăn nói gì đến chuyện ăn tết, hứa mua áo mới cho con nó mừng chứ không ai mướn anh Phương làm thì tiền đâu mà mua chị ơi!”.

Còn ngôi nhà lá trống trơn, trơ trọi giữa đồng của cha con anh Trần Văn Lắm (SN 1968, ấp Tân Hưng Phước, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước) thì cũng chẳng có gì báo hiệu xuân sang. Cha con anh Lắm ra sức làm thuê kiếm sống, nhưng lo cho cái ăn, cái mặc còn không đủ nên chuyện mua sắm ăn tết  với họ như một ẩn số không thể trả lời. Nhà vắng vợ, cuộc sống của 2 người đàn ông, một già một trẻ, dường như lạnh lẽo và buồn như dòng nước lửng lờ bên dòng kênh nhỏ trước nhà.

“Tết cũng như ngày thường, mẹ con vẫn phải lội bộ hàng chục cây số để bán vé số, kiếm tiền mua gạo và gửi tiền lên cho con. Năm nào mẹ cũng mua ký thịt, trái dưa, ít rau cải để nấu mâm cơm ngày tết cúng ông bà và 2 mẹ con cùng ăn. Năm nay, con sẽ ở lại thành phố như năm ngoái tìm việc làm thêm, con sẽ về ăn tết với mẹ 3 ngày (mùng 1, 2, 3) cho mẹ vui.

Thời gian nghỉ học con ráng làm kiếm tiền để mẹ đỡ vất vã. Con ước mơ học xong đại học có việc làm, tết đến sẽ đưa mẹ đi phố chơi, mua sắm cho mẹ những gì mẹ thích…”. Sinh viên nghèo Ngô Xuân Quý (ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) đã tâm sự như thế.

Tôi đã gặp mẹ em, cô Ngô Thị Hạnh (ấp Thượng, xã Nhị Bình, huyện Gò Công Tây), người phụ nữ chân chất, cái nghèo đeo bám từ thuở thiếu thời, vậy mà đơn thân nuôi con và cho con vào đại học. Cô Hạnh nói: “Cô cảm thấy vui và hạnh phúc khi 2 cái tết gần đây mẹ con cô đón tết trong căn nhà tình thương ấm áp, con trai được vào đại học cô thấy vui sướng lắm rồi. Còn chuyện tết với mẹ con cô thì không khác ngày thường nhiều lắm đâu”.

Mùa xuân đang theo từng giọt nắng, từng ngọn gió đến với mọi nhà. Khi trong những ngôi nhà sang trọng mâm cao cổ đầy, bia rượu tràn ly, những đứa trẻ xúng xính áo đẹp, túi nặng bao lì xì thì ở những căn nhà thấp, chật hẹp của những người mua gánh, bán bưng, làm thuê, cuốc mướn… tết với họ là nỗi lo toan, sự nhọc nhằn nặng nề hơn; cho dù họ hết sức cố gắng và được các cấp, các ngành, đoàn thể… quan tâm chia sẻ nhưng đó chỉ là phần nào.

Mong sao không còn những tiếng thở dài khi chúng ta nhắc về ngày tết!

NGỌC LỆ

.
.
.