Thứ Bảy, 14/02/2015, 07:28 (GMT+7)
.

Tết... với công nhân xa quê

Tết đang đến gần nhưng vẫn còn không ít công nhân, lao động nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn đang hối hả vào ca, làm tăng ca để có thêm tiền chi tiêu, mua sắm quà tết cho gia đình. Tuy cả ngày làm việc ở nhà máy, xí nghiệp mệt mỏi nhưng họ vẫn có động lực và niềm vui khi sắp được về quê đón tết.

Chính vì vậy, vào những ngày này, tại các phiên chợ gần các khu, cụm công nghiệp càng trở nên nhộn nhịp hơn. Bởi sau giờ tan ca, phố xá lên đèn, công nhân, lao động lại nô nức đi mua sắm. Người thì mua đôi giày, dép mới; người sắm quần áo, vali, túi xách… để chuẩn bị về quê đón tết.

Nhiều công nhân tranh thủ mua sắm quần áo về quê đón tết.
Nhiều công nhân tranh thủ mua sắm quần áo về quê đón tết.

Vừa ngắm nghía, chọn mua 4 bộ quần áo mới của trẻ em, chị Thạch Thị Xuân, quê ở huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) đang làm việc tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Đức (Cụm công nghiệp Song Thuận, huyện Châu Thành) cho biết, vợ chồng chị rời quê để đi làm công nhân, với thu nhập hàng tháng khoảng 7 - 8 triệu đồng, ngoài tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, đám tiệc... vợ chồng chị còn phải tích lũy, để gửi tiền về quê nuôi 2 đứa con nhỏ nên năm nào cũng vậy, chẳng sắm tết gì nhiều, chỉ mua vài bộ quần áo mới về làm quà tết cho 2 đứa con ở quê.

“Cả năm 2 vợ chồng làm việc quần quật, chỉ về quê thăm con được vài lần nên nhớ con lắm. Vợ chồng tôi đang mong đến ngày về quê gặp mặt con từng giờ...” - chị Xuân bày tỏ.

Với công nhân, món quà tết chất chứa biết bao ân tình của người con xa xứ mang về cho gia đình. Chị Chương Kiều Tiên, công nhân của Công ty TNHH Quảng Việt (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) cho biết, chị quê ở tỉnh Sóc Trăng nên chỉ cần đi xe máy khoảng 4 giờ là về đến nhà nên năm nào chị Tiên cũng được ăn tết cùng gia đình.

“Bây giờ ở quê cái gì cũng có, không lo thiếu nhưng em vẫn cứ thích sắm sửa, vì quà ở xa mang về bao giờ cũng quý” - chị Tiên bộc bạch. Chỉ vào chiếc túi ni lông to kềnh bên mình, chị Tiên khoe, chị đã mua cho ba được đôi dép, cậu em trai đôi giày mới và cô em út chiếc áo trắng.

Chị Tiên tính: “Má ở quê gọi điện thoại bảo đừng mua sắm gì cho má nên em sẽ lì xì tiền để má mua thịt, bánh, mứt cho cả nhà ăn tết. Còn giày và áo trắng cho 2 đứa em có thể vừa diện tết vừa để đi học sau tết luôn”.

Không khí Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 đang đến gần. Công nhân, lao động xa quê đến các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm việc, lập nghiệp đang rất phấn khởi với việc chuẩn bị về quê để đón tết cổ truyền cùng gia đình, người thân và bạn bè.

“Nhớ nhà lắm nhưng không có điều kiện về nhà. Bố mẹ tôi vừa gọi điện hỏi tết này có về nhà đón tết được không con? Tôi lại phải tiếp tục dùng điệp khúc “Xuân này con không về” với nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó quan trọng là lý do về tài chính.

Đã 5 năm vào trong Nam lập nghiệp nhưng chưa năm nào được đón tết cùng gia đình” - chị Quách Thị Hương (quê ở tỉnh Ninh Bình), hiện là công nhân Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) cho biết.

Cũng giống chị Hương, Tết năm nay, anh Quách Văn Hòa, công nhân Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng cũng đành lỡ hẹn đón tết cùng gia đình. Anh Hòa cho biết, do anh rời quê Ninh Bình vào Nam làm việc chỉ mới 2 năm nên không dành dụm đủ tiền để làm chi phí về quê đón tết cùng gia đình, người thân.

“Trường hợp về quê nếu tiết kiệm lắm cũng tốn khoảng gần cả chục triệu đồng, cho nên thay vì về quê đón tết cùng gia đình, tôi đành phải tính đến phương án đón tết ở miền Nam, để có tiền gửi về cho gia đình vui xuân đón tết” - anh Hòa tính toán.

Trong vài ngày qua, khi được hỏi về việc chuẩn bị đón tết phương Nam từ một số công nhân không có điều kiện về quê đón tết, thì chúng tôi đã nhìn thấy nhiều khuôn mặt buồn xao xuyến.

Nói về việc chuẩn bị đón tết, chị Quách Thị Hương cho biết: “Đâu cần chuẩn bị gì. Đến chiều 30 Tết đi mua một ít rau, thịt về làm một vài món rồi cùng mấy anh chị em công nhân đồng hương tụ tập gọi là bữa ăn Tất niên rồi ngồi kể chuyện tết quê nhà và đối với công nhân xa xứ, việc làm thường xuyên trong dịp tết chủ yếu chính là tranh thủ ngủ nghỉ cho khỏe lấy sức, để ra tết tiếp tục vùi đầu vào công việc”.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.