Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm
Chiều 5-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức chủ trì hội nghị.
Theo đó, trong năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8 đến 2%/năm; riêng tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm.
Cả nước đã chi trên 12.800 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi; ngân sách Trung ương chi 7.085 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên; chi trên 200 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số; dạy nghề miễn phí cho trên 60 ngàn lao động nghèo gắn với giới thiệu việc làm; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo trên 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trên 433.000 lượt hộ nghèo, hơn 500.000 lượt hộ cận nghèo và 61.500 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi…
Tại Tiền Giang, năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3%, hiện hộ nghèo chiếm 4,98% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần khắc phục, sửa chữa. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 10/2011/QH13 của Quốc hội; nghiêm túc quán triệt các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo. Đảng, Nhà nước luôn coi công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu quan trọng. Phát triển kinh tế phải hài hòa với xóa đói, giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, từ nhận thức đúng, các cấp, các ngành cần coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Các địa phương cần nghiên cứu, tập trung nguồn lực cho công tác xóa đói, giảm nghèo; lồng ghép các chương trình mục tiêu, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng và khuyến khích sự vươn lên của chính người nghèo…
THỦY HÀ