Thứ Hai, 16/03/2015, 15:22 (GMT+7)
.

Chị Nguyễn Thị Phượng: Từ công nhân trở thành chủ trang trại

Trong quá trình xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của xã. Điển hình như mô hình chăn nuôi heo “liên kết” của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, ở ấp Phong Thuận.

Làm cá khô vừa tăng thu nhập vừa tận dụng đầu cá làm thức ăn cho heo.
Làm cá khô vừa tăng thu nhập vừa tận dụng đầu cá làm thức ăn cho heo.

Cùng đi với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Mỹ Tho đến thăm trang trại nuôi heo của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng. Nếu ai lần đầu đến sẽ không biết đây là trang trại đang nuôi cả trăm con heo, vì không có mùi hôi từ chất thải. Chị Phượng hướng dẫn chúng tôi tham quan trang trại và giới thiệu về hiệu quả của việc ứng dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) trong chăn nuôi.

Chị Kim Phượng cho biết: “Gần 1 năm nay, chị đã ứng dụng ĐLSH trong chăn nuôi cho hiệu quả khá cao. Sử dụng ĐLSH vừa tránh được mùi hôi từ chất thải, bảo vệ môi trường; vừa tiết kiệm được công chăm sóc, điện, nước để tắm heo. Trước đây, hàng tháng chị phải đóng trên 1 triệu đồng tiền điện cho việc bơm nước tắm heo; giờ đây chỉ tốn từ 200 - 300 ngàn đồng/tháng. Bên cạnh, khi sử dụng ĐLSH đàn heo ít bị nhiễm bệnh, tăng trưởng nhanh”.

Được biết, trước đây chị Phượng và chồng cùng làm công nhân cho 1 công ty dệt trong thời gia dài. Khi có con, chị Phượng quyết định nghỉ làm ở nhà chăn nuôi, chăm sóc con cái. Chị Phượng nhớ lại: Được mọi người và gia đình giúp đỡ, lúc đầu chị mua 2 con heo về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng cách lứa heo nào cũng đều tăng trưởng tốt. Từ đó, đàn heo cứ tăng dần lên theo từng năm. Hiện tại, trang trại của chị Phượng có 15 heo nái, gần 50 heo thịt và hàng chục heo con.

Ngay từ những ngày đầu nuôi heo, chị Phượng đã có ý định tự chế biến thức ăn tại nhà cho heo. Nghĩ là làm, chị Phượng quyết định làm khô, chủ yếu là cá ba sa. Lấy đầu cá xay nhuyễn trộn với cám, bắp và các loại vitamin làm thức ăn cho heo. Vì thế, trang trại của chị Phượng được gọi là mô hình chăn nuôi “liên kết” là vậy.

Cơ sở làm khô cũng như trang trại nuôi heo của chị Phượng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Chị Phượng tâm đắc: Chị đang đầu tư thêm 1 trang trại nuôi heo nữa, dự kiến nuôi 200 con và tiếp tục ứng dụng ĐLSH.

Dù là chủ trang trại cả trăm con heo, nhưng chị Phượng không quá bận rộn với công việc. Đó là nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ người chồng và hiệu quả của việc ứng dụng ĐLSH trong chăn nuôi.                                                                                                  

P. MAI

.
.
.