Chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc
Từ năm 2008, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực gia đình chính thức được giao cho ngành VH-TT&DL theo Nghị định 13/2008/CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ.
Sau khi tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về công tác gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chuyển sang, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND kiện toàn bộ máy tổ chức, kinh phí và những điều kiện cần thiết khác để tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri 27-TT/TU ngày 6-4-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”…
Từ đó, công tác gia đình được các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm hơn. Vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với thực hiện công tác gia đình, lồng ghép tuyên truyền về các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông và thông tin nội bộ; tổ chức hội thảo định hướng giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ và cộng đồng tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11)…
Nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân hướng đến gia đình hạnh phúc. |
Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện đã triển khai các phong trào thi đua của ngành, đoàn thể gắn với xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Đường dây nóng” phòng, chống bạo lực gia đình; gia đình với bảo vệ môi trường và thực hiện an toàn giao thông tại các địa phương; thực hiện công tác bình đẳng giới và các nội dung về sự chia sẻ của nam giới trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp còn thường xuyên tuyên dương những gia đình văn hóa tiêu biểu; tuyên truyền chuyện thực, việc thực, kinh nghiệm, mô hình hay về xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Sở VH-TT&DL phối hợp với các ngành hướng dẫn tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của 678 CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Gia đình phát triển bền vững”, CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình” và xây dựng 387 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng hoạt động có hiệu quả, nên số vụ bạo lực gia đình hàng năm giảm, tình hình an ninh trật tự ổn định, kinh tế phát triển.
Bên cạnh việc triển khai các bộ luật có liên quan đến gia đình, các ngành, các cấp còn tuyên truyền và triển khai thực hiện một số chính sách ưu tiên; chính sách đối với người có công và trợ giúp xã hội cho gia đình nghèo trong tỉnh để có điều kiện phát triển. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh cũng đã phối hợp với cộng đồng trong việc chăm sóc, hỗ trợ để nâng cao mức sống về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình neo đơn, có người tàn tật và gia đình gặp khó khăn.
Từ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; hộ khá, hộ giàu tăng, từ đó nhiều hộ dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở cơ sở, góp phần làm thay đổi bộ mặt nơi cư trú ngày càng khang trang.
Việc triển khai công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực gia đình của tỉnh ta luôn gắn kết với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 96% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có trên 60% gia đình giữ vững danh hiệu này nhiều năm liền.
Nhiều gia đình ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc, làm giàu chân chính; tình làng nghĩa xóm được gắn kết, các mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp; an ninh trật tự được đảm bảo. Các gia đình văn hóa luôn nòng cốt trong các phong trào thi đua ở địa phương, tích cực xây dựng ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nay, cấp tỉnh và 100% cấp huyện, thành phố, thị xã; 90% xã (phường, thị trấn) đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về công tác gia đình. Một số xã (phường, thị trấn) còn thành lập Ban Chỉ đạo các đề án riêng lẻ trên lĩnh vực gia đình và đang từng bước củng cố, kiện toàn.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp nhằm tăng cường các hoạt động của cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực gia đình của tỉnh cũng còn nhiều bất cập do chưa hoạt động đồng bộ và đi vào chiều sâu. Một số địa phương chỉ tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11…
Mặt khác, còn một số ngành chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của ngành mình để tạo thêm điều kiện trong quá trình phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực có liên quan đến công tác gia đình. Một số Ban Chỉ đạo cấp xã hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa huy động tốt các nguồn lực cho các hoạt động; một số địa phương chưa năng động, còn trông chờ cấp trên; chưa chủ động bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao hàng năm…
Trong thời gian tới, để công tác gia đình và việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhất là sự tự thân phấn đấu vươn lên của mỗi gia đình.
HƯỚNG THU HƯƠNG