Ngày 8-3 của phụ nữ "bình dân"
Cùng sống ở TP. Mỹ Tho, vì cuộc mưu sinh phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên chưa được hưởng trọn niềm vui của người phụ nữ nhân ngày 8-3, thậm chí có người không hề biết đến ý nghĩa của ngày này. Vì thế, họ đã có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong ngày 8-3.
CHỊ PHẠM THỊ TRÚC MAI (ẤP MỸ HÒA, XÃ MỸ PHONG, TP. MỸ THO): Tôi thường chung vui với gia đình
Chồng làm vườn, chị mở tiệm tạp hóa nhỏ bán tập vở, giấy bút và một số vật dụng cần thiết cho học sinh. Anh chị càng hạnh phúc khi 2 đứa con lần lượt chào đời.
Cuộc sống tuy có phần vất vả, nhưng chị cảm thấy hạnh phúc vì được chồng, con quan tâm. Chị chia sẻ:
“Lúc trước, khi con còn nhỏ, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi ít quan tâm đến ngày này. Khi các con đã lớn, đời sống kinh tế gia đình thoải mái hơn, đến ngày 8-3 chồng tôi rủ nhau đi ăn tiệm một bữa để chúc mừng “2 người phụ nữ trong nhà” (tôi và con gái). Chồng và con trai chúc mừng kèm theo món quà nhỏ, làm tôi và con gái hết sức cảm động”.
BÀ TRẦN THỊ Ấ (PHƯỜNG 4, TP. MỸ THO): Chưa bao giờ được nhận quà
Hơn 37 năm với gánh cháo lòng trên đường Ấp Bắc để tự nuôi sống mình và người chồng, với quan niệm:
Khi còn làm được thì không làm phiền con cháu. Tháng ngày vất vả đã khiến bà không còn biết đâu là ngày tháng. Dù đã 74 tuổi, nhưng chưa bao giờ bà được nhận quà vào ngày này.
Bà chia sẻ: Xem báo, nghe đài tôi có nghe nói đến ngày 8-3, biết đó là ngày “phụ nữ được ưu tiên” nhưng tôi cũng không quan tâm. Có bữa, ngồi ngoài đường bán cháo thấy người ta đi chơi đông, bày bán nhiều hoa và quà, tôi hỏi mấy người ghé ăn mới nhớ ra hôm đó là ngày 8-3”.
Theo bà Ấ, những người gần nơi bà ở cũng không mấy ai quan tâm đến ngày này vì ai cũng bận đi làm. Ở nhà bà cũng vậy. Những năm gần đây, thỉnh thoảng bà có nhớ đến ngày dành cho giới nữ nên làm bữa ăn ngon đãi cả nhà và đãi mình, nhưng không nói với mọi người là nhân dịp gì, đến nay bà chỉ làm được một vài lần khi tình cờ giở lịch thấy đến ngày 8-3”.
CHỊ NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH (ẤP BÌNH THÀNH, XÃ TÂN MỸ CHÁNH, TP. MỸ THO): Ngày 8-3 đáng nhớ
Nhiều năm nay, gia đình chị Bích sống nhờ cái sạp nhỏ bán đủ thứ: Rau, củ, quả, nước mắm, nước tương, mì gói, bột ngọt… khá vất vả.
Khuya phải đi lấy hàng rau - củ, rồi mở sạp bán đến tận trưa; chiều đi bổ đồ khô cho bữa chợ tiếp theo. Chồng cũng bận lo làm ăn. Các con thì đi học suốt nên chị ít đón ngày 8-3 cùng gia đình.
Tuy nhiên, đối với chị, ngày 8-3 bao giờ cũng đáng nhớ. Chị chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi thường nhận được quà nhân ngày 8-3 từ chồng. Thông thường, những món quà anh tặng có tính thiết thực, có ích nên tôi rất thích. Các con tôi cũng thường hay nhớ đến ngày này. Mỗi khi đến dịp, các con gửi đến tôi những lời chúc nho nhỏ rất đáng nhớ”.
BÀ NGUYỄN BẠCH TUYẾT (NGỤ PHƯỜNG 7, TP. MỸ THO): Không biết 8-3 là ngày gì
Các con đã lập gia đình, ra riêng. Cuộc sống đứa nào cũng khó khăn nên không giúp đỡ được nhiều. Hiện bà sống cùng chồng và một người chị. Ở nhà thuê nên chi phí hàng tháng rất cao.
61 tuổi, mỗi ngày bà lội bộ hàng chục cây số bán vé số mưu sinh, có khi 9 - 10 giờ tối mới về đến nhà. Chưa bao giờ xem báo hay nghe đài nên bà không biết 8-3 là ngày gì.
Bà chia sẻ: “Trước giờ, ngày nào đối với tôi cũng vậy. Sáng thức dậy dọn dẹp nhà cửa xong thì bắt đầu đi bán vé số, đến tối mịt mới về đến nhà là mệt lả nên ít quan tâm đến lễ lộc. Tuy nhiên, ngày nào thấy người ta đi chơi đông, biết là có lễ lộc, tôi bán được nhiều tờ vé số...”.
MINH CHÂU