Chủ Nhật, 15/03/2015, 06:00 (GMT+7)
.

Ngày mới ở Ngã Sáu - Bằng Lăng

Ngã Sáu - Bằng Lăng (ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè) là nơi diễn ra trận chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang (ngày 14-3-1975), khởi đầu Chiến dịch mùa khô đợt II - năm 1975…

Phát huy thành tích đó, sau ngày 30-4-1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung đã nỗ lực phấn đấu xây dựng xã nhà ngày càng phát triển.

Nông dân phơi lúa vụ xuân hè.
Nông dân phơi lúa vụ xuân hè.

Ký ức hào hùng

Về Mỹ Trung vào những ngày đầu năm khi không khí đón Tết mừng Xuân vẫn còn hiện diện ở khắp nẻo đường qua hình ảnh cổng chào, sắc cờ Tổ quốc đỏ hồng cùng sắc mai vàng trước cổng nhà. Tỉnh lộ 863 những ngày này còn nhộn nhịp hơn bởi lực lượng cựu chiến binh, đoàn viên - thanh niên và người dân ở các ấp đang tất bật dọn dẹp vệ sinh 2 bên đường, treo băng rôn, khẩu hiệu để tổ chức kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng (14-3-1975 - 14-3-2015).

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Truyền phấn khởi cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung còn đón nhận một tin vui khác là xã nhà đang được xét đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nằm tiếp giáp với xã Đốc Binh Kiều thuộc huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Mỹ Trung là căn cứ địa cách mạng, từng nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc lực lượng cách mạng của Hậu cần Quân khu 2 và Tỉnh đội Mỹ Tho để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Phong trào đấu tranh cách mạng luôn phát triển, bất chấp địa bàn xã thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, du kích xã Mỹ Trung phối hợp với bộ đội chủ lực cấp trên và độc lập tác chiến đã bức rút, bức hàng, tiêu diệt nhiều đồn, bót.

Một trong những trận chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang là chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng diễn ra từ ngày 11 đến 14-3-1975. Đây là trận đánh khởi đầu Chiến dịch mùa khô đợt II - năm 1975 giữa lực lượng chủ lực Quân khu 8 kết hợp lực lượng địa phương và nhân dân Cái Bè, với lực lượng địch gồm tiểu đoàn bảo an, trung đoàn 11 - sư đoàn 7 ngụy.

Chỉ trong vòng 4 ngày, với sự phối hợp chặt chẽ của 3 thứ quân, đặc biệt là bộ đội chủ lực và với chiến thuật “Vây tấn - lấn phá - triệt - diệt”, ta đã đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn ngụy (tiểu đoàn bảo an 450 thuộc tiểu khu Sa Đéc và tiểu đoàn 2 của trung đoàn 10 - sư đoàn 7); đánh tiêu hao tiểu đoàn bảo an 453. Chiến thắng này giúp mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung tiếp tục khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã nhà. Những hố bom của chiến trường năm xưa đã dần dần được thay thế bằng những ruộng lúa trĩu hạt, những mảnh vườn xanh tươi, những con đường phẳng phiu về tận xóm, ấp…, khẳng định Mỹ Trung ngày một khởi sắc.

Vượt khó để phát triển

40 năm trôi qua - một chặng đường dài với nhiều khó khăn, gian khổ trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của xã Mỹ Trung. Nét son của truyền thống cách mạng xã nhà được thể hiện qua những số liệu “đỏ”:

195 người con của xã Mỹ Trung đã gửi xương máu vào lòng đất mẹ, 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 345 gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với nước… là động lực thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Huy Vũ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Trung giai đoạn 1976 - 1979 nhớ lại: Sau ngày 30-4-1975, Mỹ Trung là xã “6 không”: không điện, không đường bộ, không trường học, không trạm xá, không chợ và không trụ sở làm việc.

Địa bàn xã lúc đó vẫn còn ngổn ngang những hố bom, kẽm gai, đồn bót địch. Cán bộ huyện về làm việc với xã cùng ngồi dưới đất để chỉ đạo vì không có bàn ghế… Tuy nhiên, vượt qua gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực tự cường, thi đua yêu nước, tập trung khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của UBND xã, từ hơn 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị hoang hóa sau năm 1975, nay không còn diện tích đất hoang, sản xuất nông nghiệp đạt 3 vụ/năm với sản lượng lương thực hàng năm không ngừng tăng về số lượng và chất lượng.

100% tuyến giao thông nông thôn liên ấp, liên xã được nhựa và bê tông hóa, được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa nông sản của người dân trong và ngoài xã.

Đặc biệt, dấu ấn trong phong trào phát triển kinh tế của xã Mỹ Trung là thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát huy thế mạnh nông nghiệp với lúa chất lượng cao, cùng nguồn lực lao động tại chỗ để phát triển các mô hình kinh tế hợp tác. Tại ấp Mỹ Hiệp và Mỹ Hòa, mô hình Cánh đồng mẫu liên kết với doanh nghiệp Việt Hưng được xây dựng với diện tích gần 300 ha.

Tỷ lệ hộ nghèo đã được kéo giảm hàng năm, hiện toàn xã chỉ còn 118 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,6%. 100% hộ dân trong xã có điện sinh hoạt, 100% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% hộ dân có phương tiện nghe - nhìn, 4/4 ấp hàng năm đều được tái công nhận danh hiệu ấp văn hóa...

Bộ mặt nông thôn của xã Mỹ Trung còn đổi thay bằng những tuyến dân cư với những ngôi nhà tường kiên cố, khang trang. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Truyền cho biết: Xã Mỹ Trung tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để từng bước thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (đến nay đã đạt được 9/19 tiêu chí).

Từ Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng, tôi bước ra bến phà Ngã Sáu đang đưa khách qua sông, xôn xao bởi tiếng nói cười trong trẻo của các em học sinh trong giờ tan học. Các em sẽ là thế hệ tương lai nối tiếp để góp phần xây dựng xã Mỹ Trung ngày càng phát triển, xứng đáng với những hy sinh của những người đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

PHÙNG LONG

.
.
.