Thứ Sáu, 03/04/2015, 13:57 (GMT+7)
.

Hội Luật gia huyện Châu Thành: Đẩy mạnh công tác TTPBGDPL

Qua 22 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia huyện Châu Thành đã có nhiều đóng góp trong công tác tham mưu xây dựng chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; chủ động tổ chức góp ý kiến nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải tại địa phương.

Với những kết quả đạt được, Hội, Chi hội Luật gia huyện Châu Thành luôn nhận được bằng khen,  giấy khen của các cấp trao tặng.
Với những kết quả đạt được, Hội, Chi hội Luật gia huyện Châu Thành luôn nhận được Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng.

CỦNG CỐ TỔ CHỨC CƠ SỞ HỘI

Hội Luật gia huyện Châu Thành được thành lập năm 1993. Năm 2000, Bộ Chính trị có Kết luận 19-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành cũng đã ban hành các chỉ thị, công văn đối với hoạt động của Hội Luật gia… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Luật gia huyện Châu Thành hoạt động và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Qua nhiều năm phấn đấu, số luật gia tham gia vào Hội ngày càng đông. Cụ thể, từ 15 hội viên lúc mới thành lập Hội Luật gia huyện vào năm 1993, đến năm 2010 đã tăng lên 125 luật gia. Năm 2013 - 2014 kết nạp 200 hội viên và chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã kết nạp mới 70 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện nay là 400 luật gia.

Trên cơ sở thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn 575 của Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành (ban hành năm 2012), huyện Châu Thành là 1 trong 2 huyện, thành, thị trong tỉnh đã đạt 100% xã, thị trấn có tổ chức Hội Luật gia (hiện huyện có 23/23 xã, thị trấn có Hội Luật gia và 6 chi hội ngành).

Ông Phùng Văn Long, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua Hội Luật gia từ huyện đến các xã, thị trấn đã không ngừng được củng cố, kiện toàn. Các cán bộ hội, chi hội đều tốt nghiệp cử nhân Luật và hội viên đều tốt nghiệp trung cấp Luật trở lên.

Hội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho các luật gia và hội viên. Hàng năm Huyện hội đều xây dựng chỉ tiêu “4 tốt” và có kiểm tra, đánh giá, với kết quả 22 năm liền luôn có 80% hội, chi hội đạt tiêu chuẩn “4 tốt”; không có hội, chi hội yếu kém. Đặc biệt, Hội Luật gia xã Long Hưng và xã Thân Cửu Nghĩa được công nhận có tính chất đặc thù.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng của Hội Luật gia, thời gian qua các cấp Hội Luật gia trong huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân theo phương châm “Đối tượng nào, hình thức ấy”; nội dung tuyên truyền pháp luật gắn với đời sống người dân.

Hình thức PBGDPL đa dạng, không ngừng được đổi mới, phát huy tính sáng tạo như: Thông qua hội nghị tập huấn; thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức “Ngày Pháp luật”; tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; phát tài liệu các văn bản luật…

Trong 22 năm, đã tuyên truyền trên 90.000 cuộc cho hàng triệu lượt người. Các cơ sở hội đã tiếp 17.424 lượt người đến nhờ tư vấn và đã thảo trên 1.300 đơn. Qua đó làm sáng tỏ những thắc mắc của công dân và nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đã được chuyển tải một cách sinh động tới người dân…

Bên cạnh đó, các cấp hội, chi hội trong huyện còn chú trọng gắn công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý với công tác hòa giải nhiều vụ, việc tranh chấp ở cơ sở. Đã tham gia và hòa giải thành trên 5.000 vụ, việc trên các lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai… Từ đó, các hội, chi hội đã trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Ông Phùng Văn Long, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Châu Thành cho biết thêm: “Thời gian tới tiếp tục tăng cường xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, củng cố, phát triển tổ chức Hội và hội viên; làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học pháp lý và tham gia xây dựng chính sách pháp luật; làm tốt công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; tham gia công tác giám sát thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tuyển chọn các chức danh tư pháp; phát huy tối đa lợi ích của “Tủ sách pháp luật”…”.

P. MAI

.
.
.