Thứ Hai, 20/04/2015, 14:09 (GMT+7)
.

Huyện hội Cai Lậy: Nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam

Theo thống kê, huyện Cai Lậy hiện có 2.575 nạn nhân chất độc da cam. Không chỉ đối diện với gánh nặng kinh tế, nạn nhân chất độc da cam và người thân trong gia đình nạn nhân còn gánh chịu nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được. Sau 9 năm thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cai Lậy đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực để góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân.

Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cai Lậy vận động tặng quà cho các nạn nhân.
Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cai Lậy vận động tặng quà cho các nạn nhân.

Được thành lập ngày 16-6-2006, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cai Lậy xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hội cơ sở vững mạnh để thống kê đầy đủ, chính xác số nạn nhân, từ đó vận động sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho từng đối tượng. Hội hiện có 2.665 hội viên, trong đó có 433 hội viên là nạn nhân chất độc da cam.

Sau 9 năm thành lập, Hội đã trở thành cầu nối để cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Hệ thống hội được củng cố, phát triển đều khắp các xã. Cán bộ, hội viên thấu hiểu sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà nạn nhân và gia đình nạn nhân gánh chịu. 9 năm xây dựng và hoạt động, các cấp hội đã vận động nguồn lực chăm sóc, hỗ trợ cuộc sống nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là việc xây dựng nhà ở cho những hoàn cảnh khó khăn.

Bà Phạm Thị Bảy (67 tuổi), nạn nhân chất độc da cam ở ấp 2, xã Cẩm Sơn chia sẻ: “Ảnh hưởng chất độc da cam trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước khiến sức khỏe tôi suy giảm, khả năng lao động hạn chế.

Ngoài khoản trợ cấp hàng tháng, thông qua sự vận động của Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Cẩm Sơn, tôi còn được tặng căn nhà tình thương vững chắc. Sự hỗ trợ này đối với gia đình tôi rất kịp thời. Xin cảm ơn Hội và các nhà hảo tâm!”.

Ngoài hoàn tất hồ sơ giải quyết các chế độ theo quy định của Nhà nước, với những nạn nhân còn khả năng lao động, các cấp hội trợ vốn để học nghề và giới thiệu việc làm. Với những nạn nhân di chứng nặng nề không thể tự chăm sóc bản thân, hội hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình, đã góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của các nạn nhân và gia đình, cũng là nguồn động viên tinh thần để họ vươn lên.

Anh Nguyễn Hữu Phước (ngụ ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Đức) cho biết, di chứng của chất độc da cam khiến sức khỏe anh suy giảm và ảnh hưởng đến con trai anh bị tật nguyền từ nhỏ. Biết hoàn cảnh khó khăn của anh, Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hiệp Đức đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần để anh phát triển kinh tế gia đình. Từ hộ nghèo của xã, nhờ chí thú làm ăn và được sự giúp đỡ của Hội, anh đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Theo ông Ngô Văn Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cai Lậy, những năm qua hội đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam qua sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân.

Trong năm 2014 và quý I-2015, các cấp hội trong huyện đã vận động được trên 3,2 tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ nạn nhân như xây dựng nhà, cấp xe lăn, trợ vốn, khám bệnh, tặng quà và có trên 74% nạn nhân đã được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định.

Với mục tiêu trợ giúp lâu dài, hoạt động trọng tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cai Lậy thời gian tới là tạo điều kiện về vốn và việc làm cho từng nhóm đối tượng; đồng thời tăng cường kêu gọi cộng đồng góp sức hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đề nghị thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam, tạo điều kiện để các nạn nhân chất độc da cam và gia đình nạn nhân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.