Ông Trương Văn Thuận: Người góp phần làm nên thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho
Khởi nghiệp vào năm 1983, qua 32 năm gắn bó với nghề, ông Trương Văn Thuận (Ba Thuận - ngụ ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) đã góp phần làm nên thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho.
Năm 1983, kinh tế khó khăn, ông Ba Thuận thôi làm cán bộ Nhà nước, bắt tay vào nghề làm hủ tiếu, phụ vợ nuôi con. Hồi đó, ông Ba Thuận cùng vợ vượt qua bao nhọc nhằn với những tháng ngày làm bánh hủ tiếu theo quy trình thủ công hoàn toàn. Ngày ngày, ông gồng tay quay cối đá xay bột, 2 giờ khuya thức cùng vợ nhóm lò trấu để tráng bánh…
Ông Trương Văn Thuận đang cùng vợ cắt bánh hủ tiếu. |
“Lúc ấy điện, nước xài chung tổ hợp, chỉ phục vụ cho sinh hoạt gia đình, mà điện cũng rất yếu nên quy trình sản xuất đều bằng thủ công. Tự sản xuất rồi tự mang đi tìm nơi tiêu thụ, mỗi ngày tôi làm chỉ 50 kg.
Rồi từ lò trấu đắp đất, tôi xây 2 lò xi măng; có một thời phát triển lên xay bột bằng máy dầu, sau đó sáng kiến ra mô tưa, xay bột bằng cối điện, nhưng điện yếu phải đợi nửa đêm mới thức làm. Rồi canh thời tiết mưa - nắng để phơi phong, giữ cho sợi bánh dẻo, trong, ngon…” - ông Thuận kể.
Theo ông, nghề này cũng lắm công phu. Muốn bánh hủ tiếu ngon, dai, phải chọn gạo nở mềm; rồi phải ngâm gạo, xay gạo, pha chế bột, tráng, hấp… nhất là phơi cho “đặng nắng” khoảng 3 tiếng đồng hồ cho bánh vừa dẻo thì đem vô cắt sợi.
Năm 2003, Sở Công thương đến khảo sát, nghiên cứu và tham mưu cho Khoa Cơ khí (Trường Đại học Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh) chế tạo máy tráng, máy hấp. Qua nhiều lần thử nghiệm, ông đã trực tiếp tham mưu để cải tiến hoàn chỉnh các thiết bị, đến năm 2007 mới sử dụng được.
Trong quá trình sản xuất, ông đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất phù hợp, đầu tư thay cối đá bằng máy nghiền, hệ thống hấp bánh bằng hơi nước, tiết kiệm chất đốt, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian… nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Ông luôn làm tốt việc bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất của mình như: Hạn chế khói, bụi, tiếng ồn, có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Ứng dụng, cải tiến máy xay bột, đường dẫn bột đến máy hấp, máy cắt liên hoàn, tránh hao hụt và bảo đảm vệ sinh.
Việc nghiên cứu phối hợp giữa phương pháp pha chế bột truyền thống với việc áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm đạt chất lượng cao luôn được cơ quan quản lý kiểm tra đạt chuẩn.
Từ đó, thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho luôn được giữ vững về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng đến các tỉnh thành như: Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ… Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho độc quyền toàn quốc.
ÔngTrương Văn Thuận cho biết: “Mỹ Phong có 8 cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu mang thương hiệu Mỹ Tho, thì có 6 cơ sở được phát triển từ bà con và những người làm công của gia đình tôi. Nhà tôi thường xuyên tiếp đón nhiều bà con các nơi đến tham quan và học hỏi.
Chúng tôi mang ước vọng phát triển Hủ tiếu Mỹ Tho theo mô hình công nghệ hiện đại khép kín, nhưng vốn đầu tư là vấn đề nan giải. Hiện nay, các cơ sở vẫn làm theo mô hình bán công nghiệp, bảo đảm đạt chuẩn và chất lượng để giữ vững thương hiệu độc quyền của mình…”.
Với mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ năm, ông Ba Thuận có điều kiện hỗ trợ kinh phí làm đường trong xã, đóng góp xây nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ vốn không tính lãi cho 2 hộ buôn bán nhỏ và trồng hoa.
Ông còn hướng dẫn 4 hộ làm hủ tiếu có hiệu quả và gia nhập tổ hợp tác hủ tiếu; giải quyết 60 lao động có việc làm, riêng gia đình ông có 6 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Từ một cơ sở nhỏ, sản xuất hủ tiếu truyền thống, với tinh thần yêu lao động và tâm huyết với nghề, 32 năm qua, ông Trương Văn Thuận đã đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển và chất lượng thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho. Ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi 15 năm liền (1995 - 2010), vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba.
ÁI QUỲNH