Xã Tân Phú: Hiệu quả từ những mô hình thoát nghèo
Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa nghèo, trong những năm qua, xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) đã chú trọng phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của xã. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của các đoàn thể xã, người dân có điều kiện vay vốn, tiếp cận chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong xã.
Cô Phạm Thị Kính phơi nhang. |
Thoát nghèo nhờ nuôi dê
Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam” tại tỉnh Tiền Giang (Dự án PRC) do Tổ chức OXFAM và Cơ quan phát triển Quốc tế Australia (AusAID) tài trợ.
Ngoài mục đích nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thích nghi với điều kiện sống ngày một khó khăn, Dự án còn hỗ trợ vốn, cây, con giống phù hợp từng địa phương, giúp người dân nghèo ở xã ven biển có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Tại xã Tân Phú, 2 năm qua, Dự án đã hỗ trợ 179 con dê giống cho người dân nghèo trong xã. Gia đình anh Trần Văn Lớn ở ấp Tân An được hỗ trợ 1 con dê nái và 1 con dê đực, cho biết: “Khi được hỗ trợ, con dê nái đang mang bầu và đã sinh 2 con. Nuôi dê rất phù hợp với người dân nơi đây, vừa không chiếm nhiều diện tích, chuồng trại làm cũng đơn giản, vừa tận dụng các loại rau, cỏ trong vườn làm thức ăn cho dê”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, vợ anh Lớn cho biết: “Vợ chồng có đến 5 đứa con, nhưng không có đất sản xuất nên cuộc sống rất vất vả. Mấy năm nay, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hỗ trợ vay vốn mua máy xe nhang và hỗ trợ dê giống để nuôi nên cuộc sống gia đình đã đỡ vất vả”. Được biết, gia đình anh Trần Văn Lớn vừa được thoát nghèo bền vững.
Đến thăm hộ gia đình cô Bùi Thị Ắt, cùng ngụ ấp Tân An, khi cô Ắt đang cho dê ăn. Hộ cô Ắt được hỗ trợ 1 con dê nái và đã đẻ được 2 dê con khỏe mạnh. Cô Ắt chia sẻ: “Trước đây, cô nuôi heo mà cứ phập phồng lo sợ heo bị bệnh. Từ khi nuôi dê, cô thấy con dê phát triển rất tốt, ít bệnh tật, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện con dê mẹ tiếp tục mang bầu, lứa dê con đầu cô để lại nuôi làm giống. Hy vọng năm sau cô sẽ có 1 đàn dê”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phụng, Phó Ban quản lý Dự án PRC của xã, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản từ chương trình hỗ trợ của Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nghèo nơi đây. Kết thúc Dự án trong năm 2014, đã có 50% số hộ nghèo được hỗ trợ từ dự án đã thoát nghèo bền vững”.
Xe nhang tăng thu nhập
Trong thời gian qua, ngoài các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… mô hình xe nhang của Hội LHPN xã phát động đã thu hút nhiều người tham gia, tập trung ở ấp Tân An và Tân Thành; mỗi ấp thành lập 1 tổ, có 20 hộ làm nhang. Nhờ mô hình này mà chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, ấp Tân An có điều kiện lo cho gia đình. Chị Mỹ Hương cho biết: “Chị được Hội LHPN xã hướng dẫn và hỗ trợ vốn mua máy xe nhang hơn 2 năm nay. Cũng nhờ nghề này mà gia đình chị có thêm thu nhập mỗi ngày 50 ngàn đồng, đủ tiền để lo cho các con ăn học”.
Đi dọc các con đường liên ấp sẽ nghe tiếng “lạch cạch” của máy xe nhang, mùi trầm thoang thoảng tỏa từ những vỉ nhang đang phơi. Vừa nhanh tay đảo những vỉ nhang cho khô đều, cô Phạm Thị Kính, ấp Tân Thành cho biết: “Trước đây gia đình cô thuộc diện hộ nghèo, cũng may có mô hình xe nhang mà cô có công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phụng, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân vay vốn chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức các buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật; từng bước nhân rộng các mô hình hiệu quả và triển khai các mô hình mới cho người dân”.
P. MAI