Thứ Ba, 26/05/2015, 05:39 (GMT+7)
.

Anh Bí thư kiêm Chủ tịch hòa mình với dân, nghe dân nói,...

Nghe các chú, các anh ở Hội Cựu chiến binh tỉnh nói về anh Lê Ngọc Hóa (Năm Hóa) từng là sĩ quan quân đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường K, bị thương, phục viên; hiện nay là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho - một xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tôi càng muốn gặp con người “tài năng và đức độ” này.

Sau 2 lần hẹn, tôi cũng gặp được anh. Đó là người đàn ông cao to, da đen, tóc hớt cua, khuôn mặt với những đường nét cứng cỏi, phong trần. Điều đặc biệt là anh có dái tai khá dày, giọng nói chậm mà chắc, rõ. Như đồng đội cũ gặp nhau, chúng tôi nói chuyện rất cởi mở, chân tình.

Anh sinh năm 1960, nhà ở xã Mỹ Phong, có vợ và 1 con gái. Con anh đã tốt nghiệp đại học, đang làm ở Quỹ Tín dụng nhân dân xã Tân Mỹ Chánh. Chuyện chỉ có 1 con cũng là chuyện anh “nói được, làm được”. Năm 1995 Nhà nước phát động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, anh vận động, rồi trực tiếp đưa hơn 20 ông chồng đến Bệnh viện Phụ sản tỉnh để đình sản.

Đến nơi, thấy y - bác sĩ toàn là nữ, mấy ổng ngại không chịu vô. Lúc đó anh là Chủ tịch UBND xã, mới có 1 con, nếu anh không làm gương thì họ bỏ về, phong trào sẽ thất bại. Anh đành xung phong vào “làm” trước mà chưa kịp bàn bạc với vợ.

Nhà anh có tới 12 anh em, 4 người đi bộ đội. Riêng anh, năm 1978 chiến tranh biên giới nổ ra, anh từ du kích xã được đôn lên bộ đội. Đầu tiên anh công tác ở Thành đội Mỹ Tho, sau về Quân y Tiền Giang. Năm 1981 - 1983 đi học Trung cấp dược ở Trường Quân y Quân khu 9, trong thời gian học anh đã sang phục vụ chiến trường 1 năm. Năm 1984 tốt nghiệp, anh về công tác ở Phòng Hậu cần Đoàn 9903, đóng ở tỉnh Puasat, Campuchia.

Đầu năm 1985, trong một lần đi công tác ở Soài-Riêng, anh bị thương hư mắt phải, chấn thương cột sống, phải về nước nằm viện 6 tháng. Cuối năm 1986 anh về Quân y tỉnh làm Trưởng khoa Dược, năm 1988 phục viên với quân hàm Trung úy, thương binh 3/4. Hơn 9 năm sống trong quân đội, năm nào anh cũng được khen, trong đó có 3 năm là Chiến sĩ Thi đua, 3 năm là Chiến sĩ Quyết thắng.

Đầu năm bị thương, cuối năm anh cưới vợ. Chuyện anh cưới vợ cũng hết sức đơn giản. Ông “già vợ” anh vốn là chuyên gia dân sự, 2 cơ quan gần nhau, chiều chiều anh qua chơi, nấu nước cho mấy ổng uống, ngồi coi mấy ổng đánh cờ… Thấy anh “được”, ổng hứa gả con gái. Thật ra nhà chị ở xã Mỹ Phong, anh ở xã Tân Mỹ Chánh, anh đã biết chị lâu rồi, chỉ có điều “chưa ai nói gì”. Theo ý cha vợ tương lai, khi nào hai cha con được về phép thì tổ chức lễ cưới. Ai dè 2 người nghỉ phép trúng ngày mùng 5.

“Mùng 5 cũng cưới” - ông già vợ anh quyết định. Đám cưới anh chị tổ chức đúng vào ngày mùng 5.
Lúc mới phục viên, anh làm cán bộ thủy nông kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, rồi Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp xã; năm 1995 là Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã. Rời quân đội, anh mơ ước làm chủ một cửa tiệm thuốc Tây và anh đã mở tiệm thuốc ở chợ Cũ, khi làm Chủ tịch UBND xã đã sang lại cho người ta. Năm 1998, anh là Phó Bí thư trực, đầu năm 2004 làm Bí thư Đảng ủy xã.

Năm 2009, Trung ương Đảng thực hiện thí điểm mô hình “Nhất thể hóa chức danh Bí thư - Chủ tịch”, TP. Mỹ Tho chọn xã Tân Mỹ Chánh làm điểm và chọn anh gánh vác trọng trách này. “Mặc dù cũng có trải nghiệm, nhưng chưa bao giờ một mình tôi phải gánh cả 2 trọng trách này. Thật lòng mà nói, nhờ những năm tháng sống trong quân đội, được quân đội rèn luyện, tạo cho tôi ý chí vững vàng, kiên định, quen chịu cực, chịu khổ… nên tôi mới hoàn thành nổi nhiệm vụ này” - anh thật thà tâm sự.

Lúc đó anh lo đến mất ăn mất ngủ do nhận thức của hệ thống chính trị ở xã chưa đồng nhất, nhiều người không tin anh có thể đảm đương nổi 2 nhiệm vụ này cùng lúc. Để có được lòng tin của tập thể không phải chỉ bằng sự lấy lòng bề ngoài, mà anh phải “nói được, làm được”, chứng minh cho mọi người thấy những quyết sách của anh là đúng đắn, sát thực.

Nhất thể hóa 2 chức danh Bí thư và Chủ tịch có một mâu thuẫn. Đối với HĐND anh vừa là lãnh đạo, cũng vừa là người thừa hành. Lúc anh ở cương vị Bí thư thì anh là người lãnh đạo HĐND; khi ở cương vị Chủ tịch thì anh là người thực hiện những quyết định của HĐND. Nhưng nhờ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta là “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” nên tránh được độc đoán chuyên quyền.

Năm 2010, Trung ương phát động xây dựng nông thôn mới, năm 2011 xã Tân Mỹ Chánh được trên chọn làm điểm. Lúc đó xã mới đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; còn lại 12 tiêu chí, mà tiêu chí nào cũng khó như: Nhựa hóa đường liên ấp, liên xã; ấp phải có trung tâm thể thao, có nhà văn hóa; xã phải có phòng đọc sách, có chợ; trường học phải đạt chuẩn Quốc gia… Làm sao đây khi xã không có vốn? Anh như cái máy chạy hết công suất, ngày dự họp hết ở xã, ấp, đến thành phố; hết lo công tác Đảng, đến công tác Mặt trận, chính quyền, các ngành, đoàn thể…

Đâu có tổ chức nào ở xã mà anh không chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo. Đêm về anh thức đến 11 - 12 giờ khuya để nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của trên; chỉnh sửa nghị quyết, các văn bản đoàn thể, chính quyền thông qua, trình ký. Mỗi ngày anh có mặt ở cơ quan lúc 6 giờ 15 phút; chiều về nhà lúc 5 - 6 giờ. Không có thư ký riêng, ghi những công việc cần giải quyết trong cuốn sổ tay. Đội ngũ giúp việc của anh là cấp phó và cán bộ, công chức.

Theo anh, cựu chiến binh đã qua thử thách, rèn luyện trong quân đội có quan điểm quần chúng tốt; ngôn phong, tác phong gần dân; mạnh dạn trong đấu tranh… nên anh ưu tiên bố trí cựu chiến binh vào các vị trí ở xã, ấp. Hiện nay, đa số bí thư ấp, trưởng ấp ở xã là cựu chiến binh. Mặt khác, nhờ thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ mà xã tuyển được nhiều cán bộ, công chức có năng lực.

Anh luôn chú ý rèn luyện cho mình phong cách sống giản dị, gần dân. Anh sẵn sàng cho số điện thoại của mình để nhân dân gọi khi cần. Điện thoại của anh không bao giờ tắt, có khi 12 giờ đêm bà con còn gọi để nhờ giải quyết một vụ tranh chấp nào đó hay bức xúc trong thủ tục hành chính, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Việc bà con điện thoại cho anh lúc đêm khuya, đón đường anh hay đến nhà trong ngày nghỉ để nhờ giải quyết công việc là chuyện thường.

Anh thường nhắc nhở cán bộ: Bất kỳ việc gì có liên quan đến dân thì trước khi thực hiện phải làm tốt công tác tuyên truyền và bản thân anh cũng làm công tác tuyên truyền. Khi xã làm đường cống tổ 13 (đường liên ấp) theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cán bộ phụ trách triển khai vận động, một số hộ nhất định không chịu đóng góp. Anh cho mời số bà con này lên UBND xã. Lúc mới tới bà con có vẻ giận dữ, nhưng sau khi nghe anh giải thích, họ nói: “Phải chi nói như chú Năm thì tụi tui đâu có cãi, bao nhiêu cũng đóng. Chiều kêu cán bộ vô, tụi tui nộp liền”.

Rồi khi làm con lộ làng ở ấp Bình Phong (đường huyện 78) kinh phí trên 9 tỷ đồng, trong đó nếu đền bù phải tốn trên 1 tỷ đồng và lộ làng ấp Bình Thành - Bình Lợi kinh phí trên 5 tỷ đồng, nếu đền bù phải trên 500 triệu đồng. Khi cấp dưới vận động nhiều lần không thành, bà con nhất quyết bắt phải bồi thường từng cây dừa, cây bưởi, từng cái hàng rào… Anh cho họp dân, rồi trực tiếp xuống nói chuyện, chỉ cho bà con thấy những lợi ích khi có con đường hoàn thành, nghe vậy nhân dân đồng ý không đòi bồi thường nữa.

Bây giờ thì xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới rồi, nhưng nỗi lo của anh vẫn còn đó. Xã còn 69 hộ nghèo (năm 2011 là 113 hộ), anh đã phân công Mặt trận, các ngành, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ cụ thể; vận động các doanh nghiệp trực tiếp đỡ đầu… Số hộ này khó thoát nghèo, vì đa số là người già, không có sức lao động, không có đất đai. Rồi phải làm sao nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của nhân dân để bà con tự quản lý những việc trong làng xóm như bảo vệ công trình giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Trên đường về, tôi lân la hỏi thăm những bà con 2 bên đường. Người tôi gặp đầu tiên là chị Nguyễn Thị Ngọc, 54 tuổi, chủ quán nước giải khát ở ấp Bình Phong. Sau những câu chào hỏi xả giao, tôi hỏi thăm về anh Năm Hóa. Chị Ngọc đã không cần đắn đo: “Anh Năm tốt lắm, giải quyết chuyện gì cũng tới nơi tới chốn. Có khi trong ngày nghỉ mà dân cần thì ảnh cũng làm. Ảnh hòa mình với mọi người nên dân thích. Nghe nói ảnh sắp mãn nhiệm kỳ, nếu ảnh nghỉ thì tiếc quá!”.

Em Hồ Ngọc Thuận (31 tuổi, làm nghề sửa xe) ngồi gần đó, góp vào: “Tôi thấy ít có người nào làm lãnh đạo mà gần dân, lo cho dân như bác Năm. Với ai bác cũng hướng dẫn, giúp đỡ tận tình”.

Người thứ ba tôi gặp là anh Chung Quang Vinh, 58 tuổi, làm thợ hồ, là cựu chiến binh, vui tính, nhạy miệng. Tôi chỉ hỏi một câu là anh Vinh đã nói hết những gì tôi muốn biết: “Nói về Năm Hóa thì… thì khỏi chê! Đạo đức, tác phong, năng lực… khỏi chê! Ổng lo từ đường sá, cầu cống đến đời sống bà con. Đi sớm về trễ, cái gì đúng, cái gì có lợi cho dân thì ổng làm tới bến; còn rủ nhậu thì khó nhen… Ở đây mà nói Năm Hóa thì ai cũng khen, chứ không có chê. Tôi về đây 33 năm rồi, mấy đời bí thư rồi, Năm Hóa là tuyệt nhất!”.

Đã 12 giờ trưa rồi, trời nắng như đổ lửa mà tôi không cảm thấy mệt. Đúng là “Gặp người tốt tóc ta xanh lại”, những lời bà con khen ngợi anh Lê Ngọc Hóa, anh bộ đội Cụ Hồ, anh thương binh về làng làm lãnh đạo làm tôi thấy vui. Bây giờ tôi mới tin có người học tập được Bác, làm theo Bác một cách tuyệt vời như vậy.

NGỌC THỦY

.
.
.