Chôn cất người thân trên "đất nhà" không còn là chuyện riêng của gia đình...
Tôi vừa mới đi dự đám tang và đưa người bà con ở TX. Gò Công về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nói tiễn đưa là theo thói quen và ngữ cảnh, chứ thật ra là chẳng ra khỏi rạp bước nào vì huyệt mộ được đào ngay trong sân, bên hông nhà chưa đầy 3 m.
Mấy ngày trước, bạn tôi - một giáo viên nữ đã về hưu ở huyện Chợ Gạo qua đời vì bệnh hiểm nghèo, cũng được chôn cất ngay trong vườn nhà, cách cửa ra vào chưa đầy chục bước.
Từ lâu, ngay cạnh nhà thờ đạo Thiên chúa xã Long Bình (huyện Gò Công Tây), trong ngôi nhà đang ở của chị em cựu giáo viên đang sinh sống có 2 ngôi mộ của cha và mẹ… Đây không phải là những trường hợp riêng lẻ, mà hiện nay ở rất nhiều nơi, chủ yếu là ở nông thôn hoặc vùng ven đã hình thành một tập quán là chôn cất, xây mồ mả người thân ngay trong sân, trong vườn mà trên bảng cáo phó thường ghi nơi an táng là “đất nhà”.
Nhiều người cho rằng, đây là một tập quán lâu đời, đã trở thành truyền thống của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó có Tiền Giang. Đúng là có chuyện này, nhưng thật ra việc chôn cất người thân trong vườn nhà, sân nhà cũng chỉ là số ít gia đình, dòng họ có đủ những điều kiện, mà trước hết là phải có đất nhà và thường là mồ mả được xây ở một góc vườn, cách chỗ ở tương đối xa.
Khái niệm “đất nhà” ở đây được hiểu là đất (kể cả ruộng, vườn và đất) thuộc quyền sở hữu riêng của gia đình đó, dòng họ đó, chứ không phải đất thuê, kể cả thuê của Nhà nước. Ngay cả khi có đất nhà, muốn chôn cất người thân cũng phải xin phép làng, xã; đồng thời tuân thủ theo những quy định của hương ước và được sự đồng thuận của cộng đồng cư dân sở tại, chứ không phải muốn chôn thì chôn.
Một số gia đình, dòng họ giàu có, khá giả thì dành ra một phần đất hương hỏa để làm nghĩa địa riêng, nhưng cũng phải nằm tách biệt với khu dân cư. Những người theo đạo Thiên chúa cũng có nghĩa địa riêng, gọi là “đất thánh”.
Còn lại, tuyệt đại bộ phận những người khác, không kể giai tầng, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc, sau khi qua đời đều được gia đình chôn cất ở khu nghĩa địa chung mà một số nơi gọi là công thổ hay gò thổ (từ nghĩa trang thường được hiểu là nơi chôn cất các liệt sĩ).
Những nghĩa địa chung này thường là của một xóm hay vài xóm liền kề, chính vì vậy mà một ấp có thể có nhiều nghĩa địa. Điều đáng nói là tất cả những nghĩa địa này lúc đầu đều nằm biệt lập với khu dân cư, nhưng hiện nay sở dĩ có nhiều nghĩa địa nằm giáp ranh, nằm giữa, thậm chí là nằm xen kẽ với khu dân cư là do chính người sống lấn dần.
Một thời gian khá dài sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, có thể nói gần như tập quán chôn cất người thân trong sân, trong vườn rất ít, thậm chí không xảy ra, nhất là ở các huyện phía Đông của tỉnh. Nhưng từ sau đổi mới, người dân được giao quyền sử dụng đất, tư tưởng “đất nhà” hồi sinh và đặc biệt là khi đời sống vật chất khá lên thì chuyện chôn cất, xây mồ mả cho người thân ngay trong sân, trong vườn nhà lại tái phát.
Rồi theo quán tính, nhà này bắt chước nhà kia, gần như một phong trào, tuy chưa phải là đều, nhưng đã rộng khắp, có nghĩa là ít nhiều gì địa phương nào cũng có. Có gia đình còn quy tập hài cốt người thân nhiều đời về xây hẳn một khu mộ trong vườn, trong sân. Trong thực tế, vấn đề này đã gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn, điển hình là vụ mồ giữa phố ở thị trấn Cái Bè mà dư luận đã từng xôn xao hồi giữa năm 2013.
Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do nhận thức chưa đúng về khoa học môi trường, về pháp luật và cả về văn hóa, đạo đức xã hội của gia đình, thân nhân của người đã khuất. Cũng có khi xuất phát từ sự háo danh hoặc từ những tranh chấp dân sự trong nội bộ gia đình, dòng họ…
Nhưng những nguyên nhân thuộc về khách quan như nghĩa địa chung của xóm, ấp đã quá tải hoặc chính quyền địa phương chưa dành quỹ đất làm nghĩa địa chung; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thậm chí nhiều nơi cơ quan chức năng của Nhà nước còn mơ hồ về những quy định của pháp luật, thậm chí là ngại va chạm, sợ “vi phạm đạo đức” vì “nghĩa tử là nghĩa tận”(!)… nên có biết cũng làm ngơ không xử lý, làm cho cư dân xung quanh dù rất bức xúc nhưng không biết kêu với ai, mà có kêu thì cũng chẳng thấy ai giải quyết, đành phải chấp nhận sống chung với mồ mả, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sợ hãi thường trực về tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống thường ngày.
Về mặt vệ sinh môi trường, không cứ là nhà khoa học, ai cũng có thể biết, nếu chôn người chết trong khu dân cư thì sẽ dẫn đến ô nhiễm đất do xác chết phân hủy, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… cho dù mồ mả có được xây kiên cố đến mấy.
Về xã hội, như ông bà ta nói “nhất khoảnh điền, thiên niên vạn chủ”, lâu dài có ai dám chắc chắn rằng mảnh “đất nhà” có mồ mả này sẽ không đổi chủ, mà khi đổi chủ thì số phận của những ngôi mộ này như thế nào có lẽ không khó dự báo.
Hành lang pháp lý cho vấn đề này thì cũng không thiếu. Tại Điều 48 của Luật Bảo vệ môi trường quy định “nơi chôn cất, mai táng phải có vị trí, khoảng cách đáp ứng điều kiện về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư; không gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất”.
Cụ thể hơn, Nghị định 35/2008 và Thông tư 02/2009 của Bộ Y tế (hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng) thì thi hài, hài cốt phải được mai táng trong nghĩa trang và phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ về vệ sinh.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngay tiêu chí thứ nhất về Quy hoạch và thực thiện quy hoạch đã yêu cầu phải có quy hoạch nghĩa trang. Đặc biệt, tiêu chí 17 về môi trường, tại mục 1.4 quy định rất chi tiết, cụ thể về xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch là: Mỗi thôn hoặc liên thôn cần quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài.
Cùng với việc quy hoạch và xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang, cần vận động người dân thực hiện hỏa táng thay cho chôn cất ở những nơi có điều kiện và thực hiện chôn cất tại nghĩa trang thay cho chôn cất tại vườn (ở những nơi còn phong tục này).
Vậy thì cớ sao tập quán chôn cất người thân trong vườn, trong sân giữa khu dân cư cứ mặc nhiên tồn tại, chẳng những không giảm mà ngày càng trở nên phổ biến?
Thiết nghĩ, đã đến lúc việc chôn cất người thân trên “đất nhà” không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình, dòng họ nữa rồi.
LÊ MINH HOÀNG