Hiệu quả của các mô hình sinh kế thuộc Dự án thích ứng BĐKH
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, giông lốc, mưa bão, hạn, mặn, triều cường làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, nhất là ở các huyện phía Đông của tỉnh.
Được “Tổ chức cứu trợ trẻ em” hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang thực hiện Dự án “Chương trình thích ứng BĐKH lấy trẻ em làm trọng tâm” với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của BĐKH, tìm ra các mô hình sinh kế thích ứng BĐKH, giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Dự án thực hiện 5 mô hình (MH) sản xuất lúa chất lượng cao thích ứng BĐKH, 13 mô hình nuôi dê an toàn sinh học (ATSH) và 1 mô hình nuôi gà ATSH tại 7 xã thuộc TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông từ tháng 4-2013 đến tháng 4-2015.
Trình diễn máy gặt đập liên hợp. |
MH trồng lúa được thực hiện tại 5 xã: Bình Đông, Bình Xuân (TX. Gò Công) và Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Điền (huyện Gò Công Đông). Kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” được áp dụng trong vụ hè thu và “1 phải 5 giảm” trong vụ thu đông, mỗi vụ 10 ha/xã. Có 139 hộ tham gia, trong đó có 30,9% hộ nghèo.
Dự án đã hỗ trợ 100% các giống lúa OM 4900, OM 5451, Nàng Hoa 9 cấp xác nhận và 30% vật tư chính thực hiện MH. Đây là những giống lúa có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có khả năng chống chịu tốt với phèn, hạn, mặn, ít mẫn cảm với rầy nâu, sâu bệnh, dễ trồng, năng suất cao.
Trong quá trình thực hiện, dự án tổ chức tập huấn, tham quan, hội thảo đầu bờ cho những hộ sản xuất trong và ngoài MH để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng lúa; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến hộ sản xuất để tư vấn, hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”. Dự án còn tổ chức sơ kết đánh giá qua từng vụ, qua đó giúp cho nông dân có điều kiện rút kinh nghiệm trong sản xuất; đồng thời tuyên truyền, nhân rộng MH.
MH trồng lúa “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” là MH trồng lúa ứng dụng các kỹ thuật để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất lúa; đồng thời các kỹ thuật của MH còn chú trọng đến yếu tố thích ứng với điều kiện BĐKH và góp phần giảm nhẹ tác động tiêu cực của các yếu tố thời tiết, khí hậu cực đoan qua việc gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo sẽ giúp hạn chế rủi ro, thiệt hại do mưa bão trong vụ hè thu và do hạn mặn, xì phèn đầu vụ thu đông; chọn giống chịu tốt với hạn, mặn, có thời gian sinh trưởng ngắn (90 - 95 ngày); áp dụng kỹ thuật tưới “ngập - khô xen kẽ” giúp bộ rễ lúa ăn sâu, hạn chế đổ ngã; sử dụng phân bón hợp lý, không bón thừa phân đạm giúp lúa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, nhất là các bệnh như đạo ôn, khô vằn, lem lép hạt…
Qua 2 vụ, cả 5 MH sản xuất lúa đều đạt kết quả tốt, năng suất lúa đạt bình quân 5,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha. So với sản xuất lúa đại trà, giá thành giảm từ 200 - 270 đồng/kg, các hộ nghèo có lợi nhuận tăng thêm từ 1.100.000 - 1.485.000 đồng/ha, cá biệt có những hộ có lợi nhuận tăng thêm 4,9 triệu đồng/ha. Các MH có thêm lợi nhuận là nhờ giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm công và chi phí bơm nước, giảm từ 2 - 4 lần phun thuốc trừ sâu bệnh, năng suất cao nên mang lại lợi nhuận tăng thêm cho hộ sản xuất.
Những kết quả tích cực từ MH sản xuất lúa đã góp phần tác động thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng lúa thích ứng với BĐKH, mặt khác chính nhờ lợi nhuận tăng thêm đã dẫn đến sự đồng tình của người dân, nhờ đó sẽ giúp cho MH có khả năng nhân rộng và bền vững.
Hơn nữa, trong xu thế hiện nay, các MH sản xuất giảm phát thải khí nhà kính được ngành Nông nghiệp rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện, do đó kết quả từ dự án đã cung cấp thêm MH sinh kế vừa giảm thiểu rủi ro, thích ứng với BĐKH, vừa giảm chi phí sản xuất, đây chắc chắn là MH sẽ được ngành Nông nghiệp duy trì và nhân rộng.
Bên cạnh MH trồng lúa thích ứng BĐKH, dự án cũng đã hỗ trợ nông dân xây dựng MH Chăn nuôi dê an toàn sinh học thích ứng với BĐKH. Có 156 hộ nghèo trong số 263 hộ tham gia MH. Dự án đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân 1 con dê đực và 1 con dê cái Bách Thảo với mục đích sau 2 - 3 tháng nuôi, người dân có thể bán dê đực để mua thêm dê cái hoặc cải thiện đời sống khó khăn của gia đình.
Ngoài ra, có 3 hộ ở 3 xã: Kiểng Phước, Phước Trung (huyện Gò Công Đông) và Bình Xuân (TX. Gò Công) được hỗ trợ mỗi hộ 1 con dê đực Boer để phối giống, cải tạo đàn dê các xã trong vùng dự án.
Giống dê Bách Thảo được hỗ trợ trong dự án là giống dê nhập nội được nuôi nhiều đời ở địa phương, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khắc nghiệt nên ít có nguy cơ rủi ro trong điều kiện BĐKH. Sau gần 1 năm thực hiện, hiện nay đã có 70 con dê cái đã đẻ (mỗi con đẻ từ 1 - 2 con), được hộ dân giữ lại để tăng đàn và 128 con mang thai.
Ngoài ra, đã có 152/260 dê đực Bách Thảo đạt trọng lượng từ 32 - 37 kg/con và đã được bán với giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, mỗi con cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng; trong đó có 40% hộ đã mua lại dê cái để tăng đàn, số còn lại sử dụng cho việc chi phí trong gia đình và lo cho con em đi học.
Giống dê đực Boer khỏe mạnh, dự kiến sau 3 - 4 tháng nuôi sẽ được đưa vào khai thác, nhanh chóng giúp cải thiện tầm vóc của đàn dê địa phương, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Do hầu hết các hộ tham gia đều là hộ nghèo, chưa có kinh nghiệm nuôi dê nên cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến hộ để hướng dẫn kỹ thuật, từ kỹ thuật làm chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi, cách cho ăn, uống, vệ sinh chuồng trại, cách chăm sóc theo quy trình chăn nuôi ATSH, phân dê được thu gom, ủ hoai và bón cho cây trồng để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, người dân có thể chưa nghĩ nhiều đến việc chăn nuôi giúp giảm thiểu BĐKH, nhưng những biện pháp kỹ thuật của dự án giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và những lợi ích thiết thực về kinh tế là nguyên nhân cơ bản làm cho MH được nhân rộng và có tính bền vững…
TS. TRẦN THANH PHONG