Huyện Cai Lậy: Nỗ lực giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân
Tập trung thực hiện tiêu chí số 10 và tiêu chí số 11 của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Cai Lậy đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Trước đây, cuộc sống gia đình ông Bùi Văn Lắc (ấp Tân Bường B, xã Tân Phong) luôn trong cảnh khó khăn do ít đất sản xuất. Nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào thu nhập làm thuê của vợ chồng ông. Dành dụm nhiều năm, ông mới có điều kiện mua thêm 2 công đất vườn. Quyết chí vươn lên bằng nghị lực, ông Lắc cải tạo vườn tạp sang chuyên canh chôm chôm.
Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng, ông có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn cây trong buổi đầu chuyển đổi. Hiện vườn chôm chôm đang cho thu hoạch ổn định, gia đình ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông phấn khởi cho biết: “Thời gian trước do không có đất sản xuất nên vợ chồng tôi lao động vất vả nhưng không thể thoát nghèo. Được sự quan tâm hỗ trợ của xã đã giúp tôi có cuộc sống ổn định”.
Qua chuyển giao KHKT, bà Trần Thị Cẩm Vân ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú đã chọn mô hình xen canh lúa - màu để nâng cao thu nhập. |
Bên cạnh trợ vốn, hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) đã giúp người dân lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, từng bước vươn lên. Điển hình như bà Trần Thị Cẩm Vân ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú. Trước đây bà Vân độc canh cây lúa nên thu nhập chỉ đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Năm 2012, thấy mô hình xen canh lúa - màu của nhiều nông dân cho lợi nhuận khá, bà Vân chuyển 3 công đất ruộng sang trồng dưa hấu, dưa leo, bầu, mướp, bắp... 4 công còn lại vẫn canh tác lúa.
Nắm bắt nhu cầu thị trường và tham gia các lớp chuyển giao KHKT do Hội Nông dân xã tổ chức, bà Vân chọn cây màu phù hợp để xen canh (1 năm trồng lúa, 1 năm trồng màu) theo mùa vụ. Linh hoạt khai thác tiềm năng đất đai, mỗi năm trừ chi phí, gia đình bà thu lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình xen canh lúa - màu. Bà còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trao đổi kinh nghiệm với các nông dân khác để xen canh hiệu quả.
Bà Vân nhận xét: “So với cây lúa, cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn, chỉ cần siêng năng lao động và biết tính toán, chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai. Cũng nhờ kiến thức tiếp thu được qua các lớp chuyển giao KHKT, tôi và nhiều bà con khác ở trong xã đã tăng thu nhập nhờ các mô hình xen canh lúa - màu”.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân được xem là 2 tiêu chí quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân một cách căn cơ, bền vững qua hoạt động trợ vốn, chuyển giao KHKT, dạy nghề, vận động chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, hỗ trợ cây, con giống…
Trong năm 2014, các ngành chức năng của huyện đã tổ chức trên 400 cuộc chuyển giao KHKT, nội dung hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả cho nông dân học hỏi, rút kinh nghiệm…
Trên 10.000 hộ đã được trợ vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất với số tiền 157 tỷ đồng. Chỉ tiêu thoát nghèo của huyện được thực hiện khá hiệu quả. Năm 2014, có thêm 907 hộ được công nhận thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,55%.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến cuối năm 2014, huyện Cai Lậy có 9/15 xã đạt tiêu chí thu nhập và 13/15 xã đạt tiêu chí hộ nghèo của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2015 có thêm 500 hộ thoát nghèo, các xã trong huyện đang tập trung cho việc chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của chính quyền các xã, sự năng động trong sản xuất, ý thức tự lực vươn lên của người dân mới là yếu tố quyết định để huyện Cai Lậy sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập và hộ nghèo của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.
TRƯỜNG GIANG