Thủ tướng chỉ đạo dồn vốn cho người nghèo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng doanh số cho vay và mở rộng đối tượng cho vay để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm kinh tế. Đây chính là cho “cần câu” giúp hộ nghèo có phương tiện thoát nghèo.
Nhìn lại 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cho rằng, Nghị quyết 30a là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo được sự đồng thuận cao, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng xã hội, cộng đồng dân cư tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của cả nước. Ảnh VGP |
Chỉ tính trong lĩnh vực tín dụng chính sách, nguồn vốn dành cho hộ nghèo ở các huyện 30a đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW về giảm nghèo bền vững cho biết, kết quả tín dụng tại 64 huyện nghèo hơn 6 năm (từ năm 2009 đến tháng 4-2015), NHCSXH đã giải ngân 16.283 tỷ đồng. Doanh số thu nợ đạt 9.981 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30-4-2015 tổng dư nợ tại 64 huyện nghèo đạt 10.156 tỷ đồng với gần 455 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Một số chương trình cho vay có dư nợ lớn như: hộ nghèo đạt gần 5.462 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên 1.915 tỷ đồng; hộ cận nghèo gần 812 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt trên 622 tỷ đồng...
Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong thời gian tới, ông Thắng đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế cho vay hộ mới thoát nghèo theo kiến nghị của địa phương để hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, cần giảm lãi suất cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cân đối nguồn vốn cho NHCSXH để tập trung nguồn lực cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn...
Về vấn đề này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững là một trọng tâm được Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo.
“Chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, một trong những nội dung quyết định đó là đời sống của người dân. Muốn xã hội ổn định, đất nước phát triển thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm, phải bảo đảm được an sinh xã hội, phải bảo đảm được chỉ tiêu về giảm nghèo. Lo cho dân là phải lo mọi thứ, nhưng trước hết là phải lo về đời sống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng cho rằng cần phải thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các biện pháp giảm nghèo bởi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn quá lớn, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với NHCSXH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng doanh số cho vay và mở rộng đối tượng cho vay để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm kinh tế. Đây chính là cho “cần câu” giúp hộ nghèo có phương tiện thoát nghèo. Ông nhấn mạnh, hiện tỷ lệ tăng trưởng dư nợ của NHCSXH ở mức 6%, cần tăng tỷ lệ này lên khoảng 10%, để tạo nguồn lực mở rộng đối tượng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách. Tập trung rà soát để loại bỏ những chính sách trùng lắp, không hiệu quả. Bổ sung những chính sách cần thiết; trong đó có hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ đồng bào ở các huyện nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi; hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các huyện khó khăn cũng như khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý bổ sung chính sách liên quan đến giao khoán, bảo vệ rừng, chính sách khuyến khích trồng rừng đi liền với việc sắp xếp lại các nông - lâm trường theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Về nguồn lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục chuẩn bị, cân đối; bảo đảm và tăng thêm nguồn lực của TW trong trung hạn dành cho chương trình này; đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm dành nguồn lực của địa phương theo thẩm quyền cho thực hiện chương trình giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác; kiểm soát tốt các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực từ các nguồn khác để tăng tín dụng cho thực hiện chương trình giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành, địa phương trong khâu tổ chức thực hiện phải làm tốt việc kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện các chính sách về giảm nghèo.
(Theo chinhphu.vn)