Thứ Bảy, 13/06/2015, 16:13 (GMT+7)
.

Bình đẳng giới phải bắt đầu từ gia đình

Do định kiến về giới, phụ nữ thường bị đối xử bất bình đẳng. Sự bất bình đẳng xuất phát ngay từ phía gia đình, đã tạo nên nhiều áp lực làm hạn chế cơ hội phát triển của phụ nữ.

Hộ LHPN tổ chức nấu bữa ăn ngon, góp phần giúp chị em giữ gìn hạnh phúc gia đình, xóa bỏ bạo lực.                                                                                                                                                                                                                                             Ảnh: H. nga
Hộ LHPN tổ chức nấu bữa ăn ngon, góp phần giúp chị em giữ gìn hạnh phúc gia đình, xóa bỏ bạo lực. Ảnh: H. Nga

“Bảo đảm bình đẳng giới (BĐG) trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” là mục tiêu thứ 6 trong 7 mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Để thực hiện mục tiêu đó, cần phải triển khai đồng bộ các mục tiêu khác của chiến lược, nhất là mục tiêu 2 về “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động” và mục tiêu 4 về “Bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, vì chính những mục tiêu này là cơ sở để bảo đảm cho việc BĐG trong đời sống gia đình.

Vấn đề đặt ra của mục tiêu 6 gói gọn trong gia đình, nhưng có thể nói đây là nhiệm vụ không dễ dàng, vì đây là “cuộc cách mạng” về quan điểm, nhận thức đã ăn sâu trong tư tưởng của con người hàng bao thế kỷ qua.

Nội dung BĐG trong gia đình
 
Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định BĐG trong gia đình như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Ở nước ta, tuy đã đạt được nhiều tiến bộ về BĐG, nhưng định kiến giới vẫn còn tồn tại. Đó là tư tưởng trọng nam hơn nữ như:

Công việc chăm sóc gia đình vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm; phụ nữ và các bé gái vẫn thường phải “nhường nhịn” các điều kiện và cơ hội phát triển cho nam giới và các bé trai…

Những yếu tố này đã làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế,  thực hiện tốt BĐG trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để xây dựng một “tế bào” no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong khi phụ nữ và nam giới phải dành một lượng thời gian như nhau cho công việc tạo thu nhập, công việc kiếm sống thì bình quân phụ nữ phải mất thời gian gấp đôi để làm việc nhà hay làm công việc nội trợ lặt vặt thường được gọi là việc “không công”.

Ở nông thôn, chênh lệch này còn cao hơn, phụ nữ mất gần 6 giờ mỗi ngày để làm việc nhà, trong khi nam giới chỉ làm 1,5 giờ mỗi ngày.

Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về BĐG là rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam giới xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020;

Đến năm 2015 đạt 40% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 70% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

Có sự “chia sẻ” thì áp lực công việc sẽ giảm đi và đó cũng chính là yếu tố góp phần xóa bỏ bạo lực và cũng là cơ sở nâng cao năng lực cho phụ nữ, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tiến đến tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý mà các mục tiêu khác của Chiến lược Quốc gia về BĐG đã nêu.

Trong những năm qua, thực hiện trách nhiệm được quy định trong pháp luật và từ chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, hội viên về BĐG, về phòng chống bạo lực gia đình, nhất là Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các nghị định, hướng dẫn thi hành.

Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình như: Hỗ trợ vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế; giáo dục ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt trong các mô hình gia đình…

Gần đây, Hội còn phát huy trách nhiệm giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BĐG, kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện nhằm phản ánh, đề xuất đến các cấp lãnh đạo và ngành chức năng nghiên cứu, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo. Đây cũng chính là những hoạt động lồng ghép của Hội LHPN nhằm thúc đẩy BĐG và cũng là những hoạt động để thực hiện mục tiêu 2 và mục tiêu 4 của Chiến lược Quốc gia về BĐG.

Tuy nhiên, để tiến đến BĐG trong gia đình, ngoài vai trò của Hội LHPN, cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó các ngành có chức năng quản lý Nhà nước về BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình phải thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm mà pháp luật quy định; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp và làm tốt vai trò tham mưu với UBND cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình song song với các chỉ tiêu về việc làm, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe. Vì chỉ khi nào người phụ nữ có cơ hội vươn lên làm chủ bản thân, có đầy đủ sức khỏe, kiến thức thì mới có thể chuyển biến được vị thế của mình trong gia đình.

MAI HÀ

.
.
.