Thứ Bảy, 13/06/2015, 05:46 (GMT+7)
.

Chị Phạm Thị Thúy Hoa: Thoát nghèo từ vòng tay tương ái

Mỗi hội viên Hội LHPN trong xã góp chút ít, thế là nên ngôi nhà. Từ căn nhà tình thương được xây dựng bằng tình cảm tương thân tương ái của những người cùng giới, chị Phạm Thị Thúy Hoa cùng chồng đã phấn đấu vượt qua cảnh nghèo.

Còn nhớ, gương mặt rạng ngời hạnh phúc của chị Phạm Thị Thúy Hoa (SN 1985), ngụ ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy vào 3 năm trước khi chúng tôi đến dự lễ bàn giao nhà tình thương cho gia đình chị. Lòng vui như mở cờ, gặp ai Hoa cũng khoe vừa có nhà mới:

“Nhà em mới xây xong đó! Chỉ tiền vật liệu thôi đã hết 38 triệu đồng rồi, toàn là tiền của chị em trong xã góp lại giúp đỡ. Nhà em xây đẹp vầy là nhờ không có tốn tiền công thợ. Hồi trước nhà em là nhà lá dột nát, phải căng nilon che mưa. Chồng em sức khỏe yếu nên làm mướn không được trả nhiều tiền như những người khỏe mạnh khác. Vợ chồng làm mướn, tiện tặn lắm mới đủ nuôi 2 đứa con. Từ hôm nhà xây xong tới giờ, 2 đứa con của em ít qua hàng xóm chơi, cứ về đến nhà là nằm lăn ra nền gạch men cho mát”.

Chị Phạm Thị Thúy Hoa phụ chồng thực hiện công đoạn làm láng gỗ.
Chị Phạm Thị Thúy Hoa phụ chồng thực hiện công đoạn làm láng gỗ.

  Hôm nay, quay trở lại thăm, hạnh phúc rạng ngời vẫn toát ra từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói của người phụ nữ chân quê này. Hoa khoe: “Nhà em đã thoát nghèo từ cuối năm 2013 rồi. Bây giờ tuy chưa khá nhưng đủ ăn và không phải làm “bán mạng” như trước nữa. Hồi xưa đi làm mướn tới chiều tối, sau đó thì may túi xách gia công đến khuya; còn bây giờ vợ chồng thường chỉ làm việc đến tầm 6 giờ chiều là nghỉ rồi. Thỉnh thoảng hàng gấp mới phải làm khuya”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Long Quới cho biết: “Chiếc cần câu cơm” giúp vợ chồng Hoa thoát nghèo chính là trại mộc nhỏ mà vợ chồng chị cố công tạo dựng. Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2012, sau khi trao nhà tình thương cho vợ chồng chị Hoa, Hội LHPN ấp đã giới thiệu để Hội LHPN xã đứng ra bảo lãnh vợ chồng chị Hoa được vay vốn tín chấp ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội được 4 triệu đồng, vợ chồng Hoa nghĩ ngay đến chuyện mở trại mộc gia công vì Nhân - chồng Hoa có tay nghề thợ mộc.

Thế là vợ chồng đi mua dụng cụ thủ công nghề mộc và gỗ. Có gỗ, có dụng cụ, Nhân đóng những vật dụng gia đình đơn giản để bán cho bà con trong xóm. Thấy Nhân khéo tay, tính tình lại thật thà nên dần dà có nhiều người đến đặt gia công hàng mới và sửa bàn ghế, tủ cũ. Có thêm tiền, vợ chồng Hoa tiện tặn mua thêm gỗ. Khổ nỗi khi có nhiều người đặt hàng thì với dụng cụ thủ công, Nhân làm không kịp giao. Thương tình, chị Bùi Thanh Thủy, một hội viên phụ nữ trong ấp đã cho vợ chồng Hoa mượn 12 triệu đồng không tính lãi để mua dàn máy liên hợp rồi trả vốn dần”.

Từ khi có dàn máy liên hợp, hàng Nhân làm ra nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Nhân cũng chịu khó học hỏi để đóng những chiếc bàn, chiếc tủ, giường, cửa đẹp mắt hơn theo thị hiếu khách hàng, giá cả lại phải chăng nên trại mộc có nhiều đơn đặt hàng. Thu nhập từ trại mộc vì thế cũng khá hơn và quy mô của trại cũng mở rộng hơn. Từ đó Hoa bỏ nghề may gia công túi xách để phụ chồng làm những công đoạn nhỏ như bào gỗ, đục mộng, thổi sơn…

Hoa cho biết: “Hiện nay trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng. Chi phí gia đình tiện tặn để có phần dư ra bổ sung vô trại. Cuộc sống gia đình đã thoải mái hơn hồi xưa nhiều lắm. Làm ăn được, vợ chồng vui vẻ, thuận hòa hơn và con cái cũng chăm ngoan hơn. Những thứ mà gia đình em có được hôm nay là nhờ công của Hội LHPN xã và tình thương của bà con lối xóm vun bồi!”.

Sự hỗ trợ đúng lúc của tình làng nghĩa xóm và sự nỗ lực vượt qua nghèo khó đã giúp vợ chồng chị Hoa vươn lên. Đây là thành quả mà Hội LHPN xã Ngũ Hiệp đã làm được để tiến đến mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ nghèo.

HẠNH NGA

.
.
.