Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:04 (GMT+7)
.

Chương trình vay vốn tín dụng đối với HCN: Cơ hội giảm nghèo bền vững

Quyết định 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo có hiệu lực từ ngày 16-4-2013 đã giúp cho các hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.

1. Tại Tiền Giang, Quyết định 15/2013/QĐ-TTg được triển khai thực hiện từ tháng 4-2013. Đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang đã tạo điều kiện cho 45.524 lượt hộ cận nghèo (HCN) trên địa bàn tỉnh được vay vốn theo chương trình tín dụng dành cho HCN. Tính đến tháng 5-2015, tổng số tiền giải ngân của chương trình đã đạt 474 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách được các hộ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.

Ông Trần Văn Xem (ấp Mỹ Trường, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước) với mô hình trồng khóm.
Ông Trần Văn Xem (ấp Mỹ Trường, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước) với mô hình trồng khóm.

Không ít HCN vận dụng đồng vốn vay có hiệu quả, đã cải thiện đáng kể kinh tế cho gia đình. Điển hình là hộ ông Cao Văn Hiếu, ông Nguyễn Văn Chín, ông Phạm Văn Quang, bà Phạm Thị Đầm là các HCN (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), mỗi hộ vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò.

“Nhờ 50 triệu đồng tiền vay, gia đình tui mua thêm được 2 con bò, nâng tổng số bò của gia đình lên 4 con. Sau thời gian nuôi, vừa rồi thương lái đến trả 4 con bò với giá 145 triệu đồng nhưng gia đình chưa muốn bán. Gia đình chỉ mong tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo còn tiếp tục duy trì, với mức cho vay cao hơn để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống” - bà Phạm Thị Đầm vui vẻ cho biết khi chúng tôi đến thăm gia đình để tìm hiểu về gói tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo đã được triển khai thực hiện gần đây.

Theo ông Cao Văn Trung, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) ấp Mỹ Hòa, hiện tổ đang theo dõi 25 hộ vay theo nguồn vốn chính sách, trong đó có 4 hộ được vay đến 50 triệu đồng, với tổng dư nợ đến nay trên 463 triệu đồng. Đa số các hộ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách đều sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, có điều kiện cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trường hợp của hộ bà Phan Thị Lợi (ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành) cũng có những nét tương tự. Gia đình có 4 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động chính, được Ban Xóa đói giảm nghèo xã, Tổ TK&VV bình xét cho vay 40 triệu đồng, bà đầu tư vào việc làm chuồng trại và mua 80 con gà, trong đó có 15 gà mái. Sau khi trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận còn lại khoảng 40 - 50% trên tổng vốn đầu tư.

Còn ở xã Bình Đông, TX. Gò Công là một xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, một trong những xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 1049/QĐ-TTg. Toàn xã có đến 53 hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn với tổng số tiền 1,595 tỷ đồng.

Điển hình là hộ anh Phạm Tấn Tài vay từ chương trình hộ cận nghèo 45 triệu đồng, anh đầu tư nuôi 1.000 con gà ta Gò Công và 2 con bò sinh sản. Đây là mô hình chăn nuôi hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế, đang được nhân rộng tại địa phương, cung cấp thực phẩm từ quy trình an toàn sinh học theo chuẩn chương trình VietGAP.

Không chỉ chăn nuôi, nhiều hộ vay vốn ưu đãi đã đầu tư vào trồng trọt mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như hộ ông Trần Văn Xem (ấp Mỹ Trường, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước) được vay 50 triệu đồng để trồng khóm. Gia đình ông có 3 lao động, thiếu đất canh tác nên khi được vay vốn ông đã mạnh dạn thuê thêm 2 ha đất gần nhà, đầu tư sửa liếp và mua con giống trồng khóm. Theo đánh giá của ông, nếu giá khóm ổn định, không gặp thiên tai, dịch bệnh sau khi trừ mọi chi phí, thu nhập từ 2 ha khóm gần 70 triệu đồng/năm.

2. Từ thực tế các mô hình vay vốn cho thấy, chương trình cho vay tín dụng HCN ngày càng tạo được hiệu quả thiết thực, gắn liền với đời sống của người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Lâm Thiện, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước chia sẻ:

“Cho HCN vay vốn không chỉ người dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm bởi có thêm điều kiện cho việc giảm nghèo bền vững hơn. Bởi lẽ trước đây chỉ có đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, mà chưa có chính sách hỗ trợ đối với HCN, trong khi ranh giới giữa hộ nghèo và HCN là rất mong manh.

Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của Ngân hàng CSXH đã thoát nghèo nhưng không bền vững bởi chỉ cần gặp một ít rủi ro về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Chính vì thế, chương trình tín dụng ưu đãi đối với HCN đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều HCN có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo”.

Còn theo ông Lê Văn Bê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp để phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, nuôi con học hành đến nơi đến chốn.

Bà Phạm Thị Đầm (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) với mô hình chăn nuôi bò.
Bà Phạm Thị Đầm (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) với mô hình chăn nuôi bò.

Có được những kết quả tích cực đó là nhờ ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang đã chủ động tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các xã, thị trấn về đối tượng, quy trình, thủ tục, thời hạn cho vay.

Các HCN có nhu cầu vay vốn sẽ được bình xét công khai tại các Tổ TK&VV và lập danh sách gửi về Ban Xóa đói giảm nghèo ở xã thông qua sự quản lý của các hội, đoàn thể. Việc phê duyệt hồ sơ, danh sách các hộ được vay vốn được công khai, dân chủ.

Nhờ đó, tất cả các HCN đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách nhanh nhất. Quy trình giải ngân được thực hiện trực tiếp tại các điểm giao dịch ở các xã, thị trấn dưới sự giám sát chặt chẽ của UBND xã, Ban Xóa đói giảm nghèo và các tổ chức hội nhận ủy thác.

Theo Hướng dẫn 1003 ngày 12-4-2013 của Ngân hàng CSXH, các HCN được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ. Lãi suất cho vay ưu đãi của HCN bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo được quy định theo từng thời kỳ. Thời hạn trả nợ tùy theo đối tượng đầu tư và thỏa thuận giữa 2 bên.

Từ khi chương trình được triển khai cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định quan trọng điều chỉnh giảm lãi suất tín dụng đối với HCN nhằm giảm áp lực lãi suất lên nhóm đối tượng này. Từ ngày 5-6-2015 mức lãi suất cho vay đối với HCN giảm xuống còn 0,66%/tháng, giảm 0,06%/tháng đối với mức lãi suất HCN trước đây. Mức vay tối đa cũng được nâng lên 50 triệu đồng/hộ. 

Có thể khẳng định việc hỗ trợ vốn cho HCN đã mang lại hiệu ứng tích cực. Cụ thể HCN của tỉnh cuối năm 2014 là 22.429 hộ (tỷ lệ 4,94%). Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp định hướng cho HCN cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với từng địa phương, từng hộ gia đình. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành “cú hích” giúp những HCN vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

NHÓM PVKT

.
.
.