Cựu chiến binh Võ Văn Nhì: Gương mẫu đi đầu trong các phong trào
Là một cựu chiến binh, trở về cuộc sống đời thường với nhiều chiến công. Thương tật, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn giữ vững phẩm chất người lính: Sẵn sàng vượt mọi khó khăn, gian khổ, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống và hết lòng với mọi người. Ông là Võ Văn Nhì, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp 4, xã Đạo Thạnh.
Năm 1968, ông Võ Văn Nhì tham gia cách mạng, hoạt động tại TP. Mỹ Tho, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Năm 1975, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. 3 năm sau, ông được điều động làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Sau 10 năm xa nhà, năm 1988 ông trở về đơn vị và tiếp tục công tác. 2 năm sau, ông chính thức nghỉ hưu.
Trong suốt quá trình công tác, hơn 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông liên tục lập chiến công, nhận được các phần thưởng cao quý: Huân chương (HC) Chiến công hạng Nhất; HC Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; HC Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Ba; HC Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huy hiệu 30 năm, 40 năm tuổi Đảng…
Từ lúc về hưu, ông tích cực tham gia vào các hội, đoàn thể, tổ công tác ở xã, ấp như: Tham gia sinh hoạt chi bộ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bằng những việc làm thiết thực.
Ông Võ Văn Nhì còn được nhiều người biết đến với hình ảnh 1 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có “của ăn, của để” như hiện nay, ông đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Ông Nhì hồi tưởng lại: “Tôi lập gia đình, ra riêng với 2.000 m2 đất trồng dừa và cây tạp. Sau đó, tôi lại tiếp tục xa nhà làm nghĩa vụ quốc tế nên gia đình luôn ở trong hoàn cảnh khó khăn. Một mình vợ tôi phải vất vả lắm mới lo cho các con đủ ăn, đủ mặc và được đến trường”.
Khi ông trở về với gia đình, cuộc sống cũng không khá hơn. Thu nhập từ mảnh vườn hầu như không đáng kể, cả gia đình phải sống nhờ vào lương hưu của ông. Sau khi nghiên cứu thị trường, ông đốn dừa trồng nhãn. Khi nhãn long mất giá, ông chuyển sang trồng nhãn tiêu Huế, rồi trồng mận, sầu riêng… Sau một thời gian, nhận thấy trồng nhiều giống cây một lúc khó có thu nhập cao, ông quyết định cải tạo lại hết vườn và đã thành công.
Đầu tiên, ông đốn hết cây, làm đất, vét mương… rồi trồng toàn bộ bưởi da xanh. Ông Nhì chia sẻ: “Giờ nghĩ lại thấy mình lúc đó cũng “liều” thật, nếu không thành công cũng chẳng biết phải làm thế nào”. Tuy ông nói vậy, nhưng theo những người trong gia đình thì trước khi chuyển sang trồng bưởi ông đã nghiên cứu rất kỹ. Biết được bưởi da xanh khá dễ trồng, phù hợp với đất nhà, được mọi người ưa chuộng, dễ bán, giá thành cao… nên ông mới bắt tay vào trồng.
Khi trồng rồi, ông lại tiếp tục nghiên cứu: Từ cách trồng, chăm sóc, bón phân… đến cách xử lý trái nghịch vụ, dưỡng trái sao cho đẹp để bán được giá cao. Hiện nay, mỗi năm vườn bưởi của ông cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Với những việc đã làm được, nhiều năm liền ông được bình chọn là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bằng những kinh nghiệm của mình, với sự giúp đỡ của chi bộ ấp, ông đã thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng bưởi da xanh. Hiện tại, THT có 28 thành viên, với tổng diện tích canh tác 70.000 m2, trong đó có 15.000 m2 trồng bưởi da xanh đã cho thu hoạch. Ông luôn hết mình với THT, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã tích lũy được bấy lâu nay, với hy vọng trong tổ sẽ có nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, có thể vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu như ông.
MINH CHÂU