Thứ Sáu, 19/06/2015, 15:21 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Phát huy sức mạnh đoàn kết trong xây dựng GTNT

5 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Cai Lậy đã thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT). Những tuyến đường khang trang, rộng rãi, cầu bê tông kiên cố được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí số 2 (Giao thông) của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Kết quả nổi bật trong phong trào xây dựng GTNT trên địa bàn huyện Cai Lậy thời gian qua là đã phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân cùng Nhà nước thực hiện hoàn thành nhiều công trình. Điển hình tại xã Tam Bình, năm 2011 khi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã NTM, xã đã tuyên truyền ra dân ý nghĩa của việc làm này, đặc biệt là tiêu chí số 2.

Trong đó, nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và người dân trực tiếp được hưởng lợi. Hiểu đúng chủ trương nên khi xã vận động hiến đất cùng Nhà nước mở rộng các tuyến đường, người dân Tam Bình đã hiến 10,4 ha đất, trị giá 77 tỷ đồng.

Nhiều hộ còn tự nguyện di dời hàng rào, giải phóng mặt bằng để các công trình thi công đúng tiến độ. Điển hình là ông Trần Văn Trí (người dân ấp Bình Hòa A). Năm 2014, khi xã mở rộng tuyến đường Xẻo Lá (liên ấp Bình Hòa A - Bình Thạnh), ông Trí không ngần ngại hiến 300m2 đất vườn với cây trồng đang cho thu hoạch để công trình sớm thi công và đưa vào sử dụng.

Giờ đây, khoảng cách với trung tâm xã đã được thu ngắn hơn bằng con đường khang trang, rộng rãi. Ông Trí chia sẻ: “Khi hiến đất mở rộng tuyến đường, mong mỏi của tôi là đường sá thông thoáng, xe cộ lưu thông dễ dàng, giờ đây điều đó đã thành hiện thực”.

Cầu cồn Bầu ở ấp Tân Bường A, xã Tân Phong.
Cầu cồn Bầu ở ấp Tân Bường A, xã Tân Phong.

Ở vùng quê “cách trở đò ngang” như Tân Phong, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sức mạnh của tình đoàn kết, người dân nơi đây đã sẵn sàng góp sức để điều kiện giao thông từng ngày khởi sắc. Những khu vực cách trở được nối gần hơn bằng cầu bê tông kiên cố, trong đó có nhiều công trình do nhân dân trực tiếp đóng góp kinh phí, công sức để thi công hoặc vận động tài trợ.

Điển hình trong năm 2013, người dân ấp Tân Bường A, xã Tân Phong đã trực tiếp đóng góp và vận động trên 800 triệu đồng xây dựng cầu cồn Bầu, kết thúc những ngày qua sông lệ thuộc đò ngang. Cầu có chiều dài 150m, ngang 3m, ngoài hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp, người dân cồn Bầu đã thống nhất mức đóng góp với số tiền huy động gần 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Kim Đổng, người dân ấp Tân Bường A, cho biết: “Từ ngày chiếc cầu bê tông kiên cố hoàn thành, bà con nơi đây mừng lắm. Điều kiện đến trường của các cháu học sinh, cũng như giao thương hàng hóa của bà con giờ đây đã nhanh chóng, an toàn hơn trước”.

Ở xã Long Tiên, hiện nay 100% đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa, 71% trục đường ấp, liên ấp đã được bê tông hóa, xe 2 bánh lưu thông thuận tiện, dễ dàng cả 2 mùa mưa, nắng. Ngoài kinh phí Nhà nước đầu tư hàng năm, xã phát huy khá hiệu quả công tác dân vận trong phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến đường liên xóm, ấp.

Điển hình năm 2012, ngoài kinh phí địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng, các hộ dân ở ấp Mỹ Lương đã đóng góp trên 50 triệu đồng và ngày công để hoàn thành tuyến đường liên ấp Mỹ Lương - Mỹ Thạnh B, tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển nông sản của bà con trong khu vực.

Ông Đặng Văn Trương, người dân ấp Mỹ Lương cho biết: “Trước đây tuyến đường liên ấp khá nhỏ hẹp, các cháu học sinh đi học mùa mưa rất vất vả vì lầy lội. Ngoài kinh phí Nhà nước đầu tư, bà con quanh đây ai cũng đồng tình đóng góp để tuyến đường được xây dựng hoàn thiện, tiện cho các cháu nhỏ đến trường, bộ mặt khu dân cư cũng khang trang, sạch đẹp hơn”. 

Trong 5 năm (2010 - 2014) huyện Cai Lậy đã xây dựng, nâng cấp 450 km cầu, đường GTNT với kinh phí 87 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ chiếm 96%, còn lại huy động sự đóng góp của nhân dân.

Kết quả này đánh dấu sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư vào những công trình trọng điểm, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đáng ghi nhận trong phong trào xây dựng GTNT 5 năm qua, nhiều công trình được huy động 100% kinh phí đóng góp của nhân dân, nhà hảo tâm và doanh nghiệp.

Người dân cũng đã hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường trị giá trên 130 tỷ đồng. Các công trình hoàn thành đã cải thiện đáng kể nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần hoàn thành tiêu chí số 2 của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết: “Hàng năm, huyện Cai Lậy đều có kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng hệ thống GTNT, trong đó ưu tiên đầu tư cho những địa bàn khó khăn, địa bàn có hệ thống giao thông yếu kém và các xã xây dựng NTM. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy hiệu quả tích cực khi người dân các xã đóng góp tiền, hiến đất đai, hoa màu để hoàn thành hệ thống GTNT.

Hiện nay, Cai Lậy có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 84% đường huyện được cứng hóa, trên 87% đường xã đã được kiên cố hóa và trên 69% đường liên xóm đã được cứng hóa. Phát huy kết quả này, chúng tôi đang nỗ lực cho mục tiêu đến năm 2020 huyện Cai Lậy có 50% số xã hoàn thành tiêu chí số 2 của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và các xã còn lại đạt 70% tiêu chí”.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.