Phật giáo Tiền Giang: Vì đạo phục vụ cho đời
Với phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào Phật giáo trong tỉnh đã hòa nhập cùng cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở khu dân cư. Chính sự hòa hợp giữa đạo và đời đã đem lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội. Đặc biệt, tinh thần tương thân tương ái vì cộng đồng của đồng bào Phật giáo tỉnh nhà còn thể hiện bằng việc đóng góp hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động từ thiện - xã hội.
Trao quà cho hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam nhân mùa Phật đản - Phật lịch 2559. |
MANG ĐẠO PHỤC VỤ ĐỜI
Hiện nay, đạo Phật đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đa số người dân Việt. Phật giáo là tôn giáo lớn ở Việt Nam. Tại Tiền Giang có gần 400 cơ sở thờ tự Phật giáo với trên 1.000 tăng, ni thuộc nhiều hệ phái khác nhau.
Tiếng mỏ sớm chuông chiều nơi cửa thiền đã đi vào lòng của mỗi con người. Đạo Phật là đạo từ bi. Quan điểm của người tu sĩ Phật giáo là xuất thế, xa rời những thị phi, dục vọng của cuộc đời nhưng lại nhập thế “phục vụ chúng sinh”. Thời gian qua, Phật giáo luôn đi tiên phong trong các phong trào, các cuộc vận động lớn của địa phương.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá: “Phật giáo luôn hoạt động đúng theo Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo. Nhìn chung, trong đồng bào Phật giáo, từ chức sắc đến phật tử đều thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.
Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được giới tăng, ni hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, công tác từ thiện - xã hội của Phật giáo các cấp trong tỉnh rất sôi nổi. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tương trợ, cứu trợ… của Phật giáo đã đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội”.
Nhân dịp viếng thăm và chúc mừng Phật đản - Phật lịch 2559 của lãnh đạo tỉnh, Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khẳng định: “Cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn dành mọi sự ưu ái cho Phật giáo. Giới tăng, ni, phật tử vô cùng phấn khởi với công tác phật sự phát triển, tự viện được trùng tu khang trang…
Với vai trò cơ quan đại diện Phật giáo tỉnh nhà, Ban Trị sự kêu gọi các tăng, ni, phật tử tuân thủ Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Chúng tôi luôn quán triệt tư tưởng “Muốn tốt cho đạo thì trước tiên phải làm đẹp cho đời”. Sự hòa hợp giữa đạo và đời đã đem lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt là góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn”.
SAN SẺ TÌNH THƯƠNG
Người theo đạo Phật luôn xem việc làm từ thiện, những việc làm lợi lạc quần sinh là nhiệm vụ, vì “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Chính vì lẽ đó, hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo tỉnh nhà trong những năm qua là một hoạt động lớn, tạo thành sợi dây gắn kết giữa đạo và đời. Hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc, xót lòng khi nhìn người bất hạnh. Đó là cái tâm từ bi của đạo Phật và cũng là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo tỉnh nhà luôn hướng tới những người cơ nhỡ trong xã hội, vì thế đã thu hút được sự đồng thuận của những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Trong năm 2014, đồng bào Phật giáo Tiền Giang đã đóng góp gần 35 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện - xã hội như:
Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu gia đình chính sách khó khăn, xây dựng công trình phúc lợi công cộng, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho gia đình khó khăn, giúp đỡ và chăm sóc trẻ em cơ nhỡ, bảo trợ người già neo đơn và người khuyết tật trong tỉnh…
Đặc biệt, nhân mùa Phật đản năm nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã phát động tăng, ni, phật tử trong tỉnh thực hiện nhiều công trình từ thiện - xã hội với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó trao học bổng Thích Huệ Đăng lần thứ I - 2015 cho 110 em học sinh nghèo hiếu học trong toàn tỉnh, mỗi suất 2 triệu đồng; tặng quà cho 300 nạn nhân chất độc da cam trong toàn tỉnh, mỗi phần 500 ngàn đồng; Ban Từ thiện - Xã hội bàn giao 15 căn nhà tình thương và 2 căn nhà khuyến học, mỗi căn trị giá 25 triệu đồng; trao 300 phần quà cho người mù, trị giá 300.000 đồng/phần…
Đại đức Thích Quảng Lộc, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP. Mỹ Tho là người khởi xướng việc tổ chức chương trình học bổng Thích Huệ Đăng của Phật giáo tỉnh nhà. Ý nghĩa của học bổng Thích Huệ Đăng là tôn vinh và tri ân Đại đức Thích Huệ Đăng - một tu sĩ có công lớn trong hình thành và phát triển công trình văn hóa - lịch sử chùa Vĩnh Tràng vào thế kỷ XIX. Đại đức cho rằng, chương trình học bổng này là tấm lòng của đồng bào Phật giáo vì sự nghiệp chăm lo cho thế hệ trẻ tỉnh nhà và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện trong mỗi mùa Phật đản hàng năm.
Hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội ở Tiền Giang. Những đồng vốn nghĩa tình, những ngôi nhà ấm áp tình thương, những món quà cho học sinh và chương trình phẫu thuật mắt cho người mù… đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Sống ở đời cần có một tấm lòng. Tấm lòng từ bi của những con người nơi cửa Phật đã hòa cùng dòng chảy nhân ái của xã hội kết thành những đóa sen hồng thơm ngát cho đời.
THỦY HÀ