Thứ Sáu, 19/06/2015, 16:33 (GMT+7)
.

Phụ nữ kết hôn với người nước ngoài: Thực trạng và giải pháp quản lý

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương, trong đó có lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Bài báo này phản ánh thực trạng phụ nữ Tiền Giang kết hôn với người nước ngoài trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

THỰC TRẠNG

Theo số liệu thống kê tại Sở Tư pháp, từ năm 1995 - 2015 toàn tỉnh có 8.557 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài (trung bình mỗi năm có khoảng 420 trường hợp). Đối tượng kết hôn có trên 90% là nữ công dân Việt Nam kết hôn với nam người nước ngoài của trên 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Phần lớn sau khi kết hôn, công dân Việt Nam theo chồng định cư nước ngoài, một số rất ít có chồng nước ngoài ở lại Việt Nam làm ăn sinh sống tại các khu công nghiệp hoặc các công ty, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong số kết hôn nói trên, phụ nữ Tiền Giang kết hôn với người Đài Loan là 2.288 trường hợp (chiếm tỷ lệ 26,7%), với người Hàn Quốc 174 trường hợp (chiếm tỷ lệ 2%). Riêng 5 năm gần đây (từ năm 2010 đến 2014), số lượng đăng ký kết hôn có giảm, còn khoảng 350 trường hợp/năm (trong đó số trường hợp kết hôn với Đài Loan khoảng 30 trường hợp/năm, Hàn Quốc 5 trường hợp/năm - chiếm tỷ lệ khoảng 10%)...

Vẫn còn không ít trường hợp kết hôn với người nước ngoài thông qua hoạt động môi giới; thời gian tìm hiểu, quen biết quá ngắn và chưa được tư vấn đầy đủ, thiếu những hiểu biết cần thiết về pháp luật, hôn nhân và gia đình, ngôn ngữ, phong tục tập quán của nước sở tại; chưa tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài.

Mặt khác, công tác tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình từng nơi, từng lúc chưa đi vào chiều sâu do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa được thường xuyên; hình thức thông tin tuyên truyền qua báo, đài phản ánh tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài còn hạn chế và một số quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cụ thể: Đối với việc quy định thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định 126/2013/NĐ-CP của Chính phủ là không quá 25 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.

Như vậy, thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn được tính theo ngày liên tục, nên trong một số trường hợp ngày hẹn trả kết quả rơi vào ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ, tết (thời gian nghỉ tết khá dài) đã ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ cho đương sự.

Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 23, Nghị định 126/2013/NĐ-CP của Chính phủ: “Nếu hết thời hạn xác minh theo quy định tại điều này mà cơ quan Công an chưa có văn bản trả lời thì Sở Tư pháp vẫn hoàn tất hồ sơ, đề xuất ý kiến trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định, trong đó nêu rõ vấn đề đã yêu cầu cơ quan Công an xác minh”.

Trên thực tế, đa phần các trường hợp yêu cầu cơ quan Công an xác minh là do có khiếu nại, tố cáo về việc kết hôn giả tạo hoặc nghi vấn 2 bên đương sự có mối quan hệ huyết thống với nhau,… Do vậy, khi chưa có văn bản trả lời của cơ quan Công an, Sở Tư pháp thấy chưa đủ cơ sở đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ

Ngành Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo về việc kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác.

Phối hợp ngành Công an cung cấp thông tin, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn bất hợp pháp. Cơ quan Tư pháp địa phương phối hợp Công an cùng cấp, các ban, ngành của địa phương tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, tình hình phụ nữ bị lường gạt buôn bán thông qua con đường kết hôn và thông tin cảnh báo cho phụ nữ, các bậc cha mẹ về những rủi ro có thể gặp phải khi kết hôn với người nước ngoài, góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nhân dân về vấn đề này.

Các cấp chính quyền cùng ngành LĐ-TB&XH quan tâm hơn nữa Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm giúp chị em có việc làm tại chỗ, cải thiện đời sống, góp phần hạn chế các trường hợp kết hôn do đời sống khó khăn.

Phối hợp mở rộng các hình thức sinh hoạt giao lưu, giáo dục về văn hóa, tình bạn, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình tại các vùng sâu, vùng xa với lực lượng nòng cốt là hội viên, đoàn viên của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên.

TRỌNG CẦN

.
.
.